Thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) sản xuất đã quan tâm hơn đến áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp, tuy nhiên đa số vẫn chưa mạnh dạn áp dụng. Cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tiến tới xây dựng chế tài, buộc DN đề cao vai trò của mình trong SXSH.
Không thực hiện vì không bắt buộc
Công ty TNHH Sức Trẻ (Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) là đơn vị duy nhất trong cả nước được hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm SXSH trong công nghiệp với giải pháp "Cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều công đoạn". Ông Lê Quang Hà – Giám đốc Công ty - cho biết, dưới sự tư vấn, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại TP. Đà Nẵng, tranh thủ nguồn hỗ trợ khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư hệ thống cấp hơi nhiều công đoạn với kinh phí 1,83 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng.
Hệ thống cấp hơi tại Công ty TNHH Sức Trẻ
Qua gần 1 năm chạy thử và đi vào vận hành, từ sản xuất thực tế cho hiệu quả vượt trội. So với khi chưa lắp đặt hệ thống, năng suất máy sấy tăng từ 14 – 15%, lượng hơi thất thoát giảm rõ rệt, lượng nhiên liệu giảm trung bình 1.080 tấn/năm, kiểm soát hơi ổn định.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% DN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so với năm 2010. Dù thấy rõ lợi ích khi ứng dụng SXSH trong sản xuất, nhưng nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa chưa áp dụng.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – cho rằng: Tỷ lệ DN áp dụng SXSH vào sản xuất còn thấp là do gặp khó trong nguồn vốn để đầu tư máy móc đổi mới công nghệ SXSH, đặc biệt chi phí đầu tư cao nên DN muốn áp dụng SXSH nhưng không có đủ nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó, phía quản lý nhà nước chưa có cơ chế tài chính ưu đã và ổn định để hỗ trợ DN thực hiện các dự án SXSH. Cùng với đó, việc áp dụng SXSH không bắt buộc, chưa có hệ thống chứng nhận DN SXSH, nên DN chưa "tự bắt mình" thay đổi.
Cần cơ chế để doanh nghiệp chủ động
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - cho biết: Việc ứng dụng giải pháp SXSH đồng bộ tại DN sẽ giảm mức tiêu thụ nước, năng lượng, nguyên vật liệu, chất thải và việc làm, tăng tỷ lệ tái sử dụng chất thải; tạo điều kiện cho DN sản xuất công nghiệp tiếp cận công nghệ mới, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện đa phần DN mới chỉ được hỗ trợ tư vấn, chứ chưa được hỗ trợ kinh phí để đầu tư vào thực tiễn sản xuất.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thay đổi hình thức hoạt động, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tài chính.
"Chúng tôi hướng đến nhấn mạnh và tăng cường đưa vai trò tham gia của DN vào áp dụng SXSH chứ không trông chờ vào ngân sách của nhà nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp để thực hiện tốt các mục tiêu trên trong thời gian tới"- ông Nguyễn Việt Dũng thông tin và cho biết thêm "Chúng tôi cũng phải hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thực hiện SXSH. Và đưa ra những chế tài nhất định để yêu cầu DN cam kết thực hiện SXSH và tiêu dùng bền vững".
Bà NGUYỄN THỊ THÚY MAI - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng: Cần có chính sách hỗ trợ tài chính ưu đãi làm động lực cho DN mạnh dạn đầu tư, áp dụng SXSH vào sản xuất, giúp DN công nghiệp phát triển bền vững. |
Theo: Báo Công Thương