Nhiều công sở tại thành phố Hà Nội đã không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, thay bằng chai thủy tinh Để thực hiện có hiệu quả Công văn này, các đơn vị, địa phương đã, đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn Thủ đô.
Đồng loạt triển khai
Ngày 3-11, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tích cực vào cuộc triển khai kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa tại cơ quan, đơn vị...
Tại huyện Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng cho biết, huyện triển khai phong trào chống rác thải nhựa bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng các chai, cốc, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thức ăn... tại các hội nghị, hội thảo. Đặc biệt, huyện yêu cầu các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội, xã, thị trấn... gương mẫu không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu bằng chất liệu nhựa tại nơi công sở. Huyện cũng chỉ đạo Phòng Tài chính huyện từ năm 2021 không bố trí kinh phí mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần cho các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 28-10-2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch mở các lớp truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công nhân, viên chức, người lao động... về việc phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu chất thải nhựa trong cộng đồng
Trong khi đó, quận Cầu Giấy lại chọn các trường học để triển khai phong trào không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy đến học sinh, giáo viên. Ghi nhận thực tế tại Trường Tiểu học Yên Hòa cho thấy, các hoạt động sinh hoạt tập thể đều được nhà trường lồng ghép thông điệp “nói không với rác thải, phế thải nhựa”. Gần đây nhất, tại phiên chợ quê do trường tổ chức, các gian hàng trưng bày đại diện cho 5 khối từ lớp 1 đến lớp 5 đều được Ban giám hiệu hướng dẫn trang trí, sắp xếp theo đúng tinh thần tận dụng phế thải nhựa để tạo ra những sản phẩm, hình khối đặc sắc mà vẫn mang đậm ý nghĩa tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết, các cấp hội phụ nữ quận đã phổ biến rộng rãi tới hội viên phụ nữ và các hộ gia đình tiếp tục triển khai có hiệu quả giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Trong đó, quận sẽ triển khai các mô hình “Đổi phế liệu - giữ màu xanh”; “Thùng rác thân thiện”, “Thùng rác từ thiện” tới Hội Liên hiệp phụ nữ các phường.
Thực hiện công văn của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban và đơn vị trực thuộc tuyên truyền để cán bộ, công chức, người lao động trong ngành từng bước thay thế các vật dụng như: Cốc nhựa, cặp tài liệu bằng nhựa, túi nhựa dùng một lần... ở nơi làm việc và ở nhà”.
Tuy rằng, đến nay, các sở, ngành, địa phương mới dừng ở việc triển khai kế hoạch nhưng đều khẳng định quyết tâm đẩy lùi rác thải nhựa. Do vậy, thời gian tới, rất cần những hành động cụ thể, thực tế của các địa phương, đơn vị nhằm góp phần hạn chế rác thải nhựa trong cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan tham mưu thành phố việc thực hiện kế hoạch hạn chế rác thải nhựa trong cộng đồng. Phó Giám đốc Sở Lê Tuấn Định cho biết, để kế hoạch đi vào cuộc sống, Sở sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thay đổi thói quen của từng người dân. Trước hết, Sở đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của túi ni lông và các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh; đồng thời, yêu cầu các địa phương đưa nội dung phòng, chống rác thải nhựa lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng, sinh hoạt khu dân cư...
Tuy nhiên, để việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa trở thành nền nếp, tạo thành thói quen của mỗi người dân, ông Lê Tuấn Định cho biết, thời gian tới, Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả công tác này. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng cần tích cực vào cuộc, kịp thời phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để nhân rộng trong cộng đồng.
Ngoài ra, Sở đang xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bao bì chuyển đổi công nghệ từ sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường...
Hy vọng, với sự quyết tâm vào cuộc, thời gian tới, các địa phương, đơn vị sẽ có nhiều hành động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực nhằm hạn chế rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Theo Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng