Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 10:20 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ

03/11/2020

Với mong muốn giữ gìn giá trị truyền thống, đồng thời kết nối phát triển bền vững đối với ngành gốm sứ góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19 và hội nhập kinh tế quốc tế, tối ngày 23/10, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ khai mạc sự kiện Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố năm 2020.
Kết nối mạng lưới sản xuất, tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống Hà NộiHà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sảnHà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành mây tre đan, chế biến gỗ
Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố năm 2020 được tổ chức với các hoạt động chính: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm điển hình của ngành gốm sứ; Kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thực chất lượng cao, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống.
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, năm 2020, do diễn biến phức tạp của Dịch bệnh Covid 19, tình hình hạn chế lưu thông hàng hóa của các nước đã dẫn đến xuất khẩu hàng các mặt hàng gốm sứ cũng gánh chịu nhiều tác động. Thị trường xuất khẩu của mặt hàng này có biến động trái chiều.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, xuất khẩu gốm sứ 7 tháng đầu năm 2020 đạt 309,22 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Một số nước tăng mạnh về kim ngạch như: Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch lần lượt tăng 87%, 49%, 44%. Ngược lại, xuất khẩu gốm sứ lại sụt giảm ở một số thị trường trong đó Achentina, Canada, Hồng Kông mức sụt giảm trên 50% với lần lượt 75%, 88%, 99%.
Bên cạnh đó, do tác động của thị trường du lịch trong nước suy giảm, các mặt hàng gốm sứ cũng chịu ảnh hưởng do sức mua giảm sút. Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phải giãn hoãn, tiến độ sản xuất, nhiều lao động mất việc làm.
Do đó, việc, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các nghệ nhân ngành gốm sứ trên địa bàn huyện Gia Lâm tiên phong tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020, đẩy mạnh kết nối chuỗi trong các nhóm ngành gốm sứ là một trong giải pháp tích cực nhằm khắc phục ảnh hưởng sau dịch, giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.
Các đại biểu tham quan gian hàng
Là địa phương tiên phong tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020, đại diện UBND huyện Gia Lâm chia sẻ, nhắc đến ngành gốm sứ phải kể đến 03 làng nghề gốm sứ nổi tiếng trên địa bàn huyện Gia Lâm gồm: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan. Với nguồn nguyên liệu, nhân công phần lớn trong nước, nghề gốm đã giúp đời sống người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Gia Lâm. Nhằm hỗ trợ bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành gốm sứ phát triển bền vững và ổn định trong thời gian tới, các làng nghề truyền thống trong ngành gốm sứ trên địa bàn huyện Gia Lâm tích cực tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Sở Công Thương Hà Nội ban hành tiêu chí Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020 cho nhóm gốm sứ trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành gốm sứ tham gia phải đáp ứng 11 tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất, sản phẩm - hàng hóa, hệ thống phân phối.
Chương trình được tổ chức thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.
Sự kiện được diễn ra từ ngày 23/10 đến 25/10/2020 tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội – Thôn 1, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Theo: Báo Công Thương