Cần Thơ: Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp "Từ nhận thức đến hành động"
27/10/2014
I. Từ việc nhận thức lợi ích áp dụng SXSH trong công nghiệp đến kế hoạch hành động.
Thành phố Cần Thơ hướng đến năm 2020 là TP Công nghiệp. Nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, trên địa bàn TP.Cần Thơ có khoảng 8750 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư thiết bị công nghệ sạch, các doanh nghiệp còn lại thiết bị và quy trình công nghệ đều đã lạc hậu.
Trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, không thể cùng một lúc các doanh nghiệp có khả năng thay đổi toàn bộ thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu bằng thiết bị công nghệ sạch, vì thế việc cải tiến các thiết bị và sắp xếp lại quy trình công nghệ theo từng công đoạn sản xuất tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm là một điều rất cần thiết và cấp bách.
Mặt khác, để nền kinh tế phát triển bền vững thì quá trình đẩy mạnh sản xuất kinh doanh không thể tách rời với trách nhiệm quản lý môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội, trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và của doanh nghiệp có tính quyết định trong việc quản lý và gìn giữ môi trường. Qua quá trình tập huấn, nghiên cứu nhận thấy việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp sẽ giúp chủ doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tiết kiệm, quản lý nội vi hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp mà đôi khi không cần phải tốn chi phí, ngược lại còn mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và giảm khối lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường. Với số lượng cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.Cần Thơ hiện nay thì tiềm năng áp dụng SXSH trên địa bàn TP.Cần Thơ là rất lớn. Công tác tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp SXCN thực hiện các giải pháp để áp dụng SXSH là bước khởi động đầu tiên của chúng tôi trong công tác quản lý nhà nước. Từ nhận thức lợi ích của việc áp dụng SXSH trong sản xuất, đã giúp chúng tôi bắt đầu hành động
II. Công tác phổ biến kiến thức áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.
1. Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
- Chỉ thị 08/CT-BCN ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”.
- Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2007 của UBND TP. Cần Thơ về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 406/KHLT-SCT-STNMT về việc phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương năm 2010 và định hướng giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (trong đó có nội dung phối hợp thực hiện Chiến lược sản xúât sạch hơn trong công nghiệp) .
Ngoài ra, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật và các kế hoạch thực hiện có liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng SXSH, bảo vệ môi trường sinh thái cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp như Quyết định của Chính phủ: Ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam; phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010; Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về Bảo vệ môi trường; về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Nghị định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; Thông tư của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
2. Công tác triển khai áp dụng SXSH
* Năm 2007
Thực hiện Chỉ thị 08/CT-BCN ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công nghiệp (Nay là Bộ Công Thương) về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) đã chủ trì phối hợp với các Sở ngành tham mưu UBND thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
* Năm 2008
- Tổ Chức Hội thảo lần thứ nhất vào ngày 18/04/2008 tại TP.Cần Thơ. Tổng số tham gia 189 đơn vị bao gồm các Sở Công Thương ĐBSCL, chuyên gia, các doanh nghiệp trên địa bàn và báo, đài phát thanh, với 245 đại biểu tham dự.
- Tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức (báo, đài phát thanh truyền hình, tham mưu UBND thành phố thông báo cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện SXSH; treo banrol, Pano, áp phích tại các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất),...
- Tham mưu UBND TP.Cần Thơ ban hành Thông báo số 110/TB-VPUB ngày 21 tháng 7 năm 2008 của UBND thành phố Cần Thơ về phát động phong trào khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn.
- Tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm đánh giá tiềm năng áp dụng SXSH, tập trung các ngành hoạt động thải ra môi trường chất thải ô nhiễm như ngành thủy sản, ngành cơ khí, xay xát lương thực...
- Tổ chức 01 lớp tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với cán bộ quản lý nhà nước địa phương và một số doanh nghiệp tiêu biểu điển hình. Tổng số tham gia 53 đơn vị, với 53 đại biểu tham dự.
- Xây dựng phim phóng sự truyền hình địa phương tuyên truyền áp dụng SXSH trong doanh nghiệp trên địa bàn.
* Năm 2009
- Phối hợp với tư vấn, hỗ trợ tư vấn 02 doanh nghiệp thủy sản thực hiện áp dụng SXSH, đã hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
- Tổ chức 01 lớp tập huấn tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với cán bộ quản lý nhà nước địa phương và một số doanh nghiệp tiêu biểu điển hình. Tổng số tham gia 22 đơn vị, có 45 đại biểu tham dự.
- Triển khai Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” đến các Sở, ban ngành có liên quan, UBND quận, huyện và phòng Kinh tế/ phòng Công Thương quận, huyện.
*Năm 2010.
- Triển khai rộng rãi đến tận cơ sở Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các doanh nghiệp SXCN trên địa bàn và triển khai một số nội dung thực hiện áp dụng SXSH trong năm 2010 và chuẩn bị nội dung xây dựng kế hoạch hành động về SXSH cho giai đoạn 2011 đến 2015.
- Tổ chức Hội thảo lần thứ II, tiếp tục tuyên truyền phổ biến kiến thức về lợi ích SXSH và triển khai nội dung “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”(vào tháng 5/2010). Tổng số tham gia 72 đơn vị, có 107 đại biểu tham dự.
- Tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu và kết hợp tham quan thực tế với nội dung nhằm nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ năng thực hiện các giải pháp áp dụng SXSH trong công nghiệp. Tổng số tham gia 83 đơn vị, với 147 đại biểu tham dự.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức 05 lượt tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất về áp dụng SXSH thuộc tại 9 quận, huyện trên địa bàn. Tổng số tham gia 266 đơn vị, với 266 đại biểu tham dự.
- Xây dựng Bộ phim tài liệu “Từ nhận thức đến hành động về áp dụng SXSH trong công nghiệp”, in ấn phổ biến cho hơn 50 doanh nghiệp trên địa bàn
- Chọn 10 doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn đánh giá tiềm năng áp dụng SXSH.
- Hỗ trợ tư vấn áp dụng SXSH cho doanh nghiệp sản xuất glucosamine từ nguyên liệu phụ phẩm của ngành chế biến thuỷ sản.
- Tiếp tục thực hiện công tác khảo sát thực tế, thu thập số liệu để làm cơ sở Xây dựng Kế hoạch hành động áp dụng SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011- 2015.
* Năm 2011
- Tổ chức 03 lớp tập huấn: Tổng số tham gia 90 đơn vị (trong đó có 01 lớp chuyên sâu trong lĩnh vực Bảo trì bảo dưỡng thiết bị công nghiệp), với 229 đại biểu tham dự.
- Chọn 05 doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn đánh giá tiềm năng áp dụng SXSH.
- Tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức 05 lượt tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất về áp dụng SXSH thuộc tại 9 quận, huyện trên địa bàn. Tổng số tham gia 252 đơn vị, có 252 đại biểu tham dự (Kinh phí do đơn vị tổ chức dự trù).
- Nghiên cứu và xem xét nhu cầu, khả năng tình hình thực tế trong công tác áp dụng SXSH trên địa bàn, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động áp dụng SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011- 2015, xin ý kiến góp ý các ngành trình UBND thành phố ban hành (Kế hoạch hành động được phê duyệt tại Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011 của UBND thành phố Cần Thơ).
* Năm 2013:
Tổ chức 02 lớp tấp huấn, trong đó 01 lớp tuyên truyền kiến thức áp dụng SXSH trong công nghiệp thu hút được 200 học viên tham gia; 01 lớp chuyên sâu về nồi hơi và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nồi hơi cho 80 học viên là cán bộ kỹ thuật vận hành nồi hơi tham gia.
III. Kinh nghiệm về công tác Xây dựng Kế hoạch hành động về SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011-2015.
1. Về cơ sở pháp lý: Căn cứ Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 của Thủ tướng, căn cứ chủ trương của của lãnh đạo địa phương.
2. Về nội dung:
- Để Kế hoạch thực hiện khả thi, khi xây dựng phải căn cứ vào tình hình thưc tế và số liệu khảo sát, các chỉ tiêu xây dựng phải cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và dựa trên quan điểm chung là góp phần thực hiện mang lợi ích cho doanh nghiệp và lợi ích môi trường, định hướng phát triển ngành công nghiệp bền vững.
- Các nội dung thực hiện phải bám sát vào nhiệm vụ của Chiến lược và cụ thể hoá tại địa phương. Do mục tiêu Chiến lược của Chính phủ là áp dụng SXSH được tiến hành trên quan điểm Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các doanh nghiệp, nên trong Kế hoạch hành động công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hiệu quả của việc áp dụng SXSH trong CN cho cán bộ quản lý nhà nước địa phương và các doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ hàng đầu không thể thiếu.
- Cần phải có sự đồng thuận, thống nhất tham gia của các sở, ban ngành có liên quan. Các sở, ban ngành có trách nhiệm hỗ trợ trong công tác triển khai thực hiện.
- Trong khoảng thời gian 5 năm thực hiện, Kế hoạch phải xây dựng danh mục và phân kỳ lộ trình thực hiện cụ thể cho từng năm.
- Về các giải pháp thực hiện: Giải pháp cơ chế, chính sách phải phù hợp với các cơ chế chính sách hiện hành; Giải pháp tài chính, vốn Trung ương cần sự hỗ trợ của CPSI, vốn địa phương cần tranh thủ sử dụng vốn sự nghiệp môi trường và sự nghiệp khoa học và tranh thủ nguồn vốn khác; Giải pháp đào tạo nâng cao nhân lực cần quan tâm chú trọng đào tạo cán bộ quản lý cơ sở.
3. Về tổ chức thực hiện: Sở Công Thương chủ trì sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và địa phương, đồng thời có sự phân công cụ thể đối với các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn, trong đó Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính đóng vai trò quan trọng trong công tác triển khai.
Sau khi Kế hoạch hành động được phê duyệt tại Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, trong năm 2012, Sở tiến hành dự trù kinh phí, sử dụng nguồn kinh phí địa phương. Tuy nhiên, trong năm 2012 do chưa cân đối được nguồn ngân sách nên chưa cấp vốn cho việc thực hiện Kế hoạch.
* Kế hoạch dự kiến thực hiện năm 2014:
Sau khi được phê duyệt kinh phí, Sở tiến hành tổ chức 04 khóa Tập huấn chuyên sâu cho các học viên là cán bộ kỹ thuật. Nội dung chương trình tập huấn là nội dung nối tiếp nhau giúp cho cán bộ kỹ thuật có thể áp dụng SXSH tại doanh nghiệp mình sau khi được tham gia đầy đủ 04 khóa tập huấn trên.
IV. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện :
1. Thuận lợi.
- Có chủ trương của Nhà nước
- Được sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia tư vấn.
- Được tham gia các lớp tập huấn của các tổ chức trong và ngoài nước.
- Được sự phối hợp và hỗ trợ các sở, ngành ngành có liên quan trên địa bàn
- Được sự đồng tình hưởng ứng của một số doanh nghiệp trên địa bàn.
- Được sự nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh mục tiêu.
- Được sự hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí của Hợp phần SXSH và các tổ chức khác.
2. Khó khăn trong công tác triển khai.
- Phần lớn lãnh đạo các doanh nghiệp đều chỉ quan tâm công tác kinh doanh, không xem việc quản lý nội vi trong sản xuất là tầm quan trọng, chưa kiểm soát được việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tại doanh nghiệp, nên chưa thấy lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.
- Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp ngại tiếp xúc với các chuyên gia tư vấn và các chuyên viên quản lý nhà nước.
- Số lượng doanh nghiệp có tiềm năng thực hiện SXSH nhiều, nhưng kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo có hạn.
- Đội ngũ chuyên gia và cán bộ quản lý nhà nước hiểu biết về SXSH còn giới hạn về số lượng và chất lượng.
- Kinh phí CPI và kinh phí địa phương hạn chế không đáp ứng được nhu cầu theo Kế hoạch.
3. Bài học kinh nghiệm
Để việc áp dụng SXSH trong công nghiệp được nhân rộng đến các doanh nghiệp, các Sở Công Thương phải xây dựng Kế hoạch hành động về SXSH trong công nghiệp. Nội dung Kế hoạch hành động phải cụ thể tập trung công tác tuyên truyền và phân kỳ thực hiện cho mỗi năm. Để Kế hoạch hành động được thực hiện có hiệu quả, tranh thủ sự đồng thuận của các sở, ban ngành địa phương và trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt.
Cần phải lựa chọn đào tạo đội ngũ chuyên về SXSH chịu khó và tâm quyết với công việc. Trong quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp cùng thống nhất trong tư duy và hành động./.