Nội dung tập huấn bao gồm: giới thiệu về sản xuất sạch hơn; sản xuất sạch hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; các mô hình điển hình; tổng quan các bước thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn; khởi động sản xuất sạch hơn với công cụ quản lý nội vi 5S; sản xuất sạch hơn và các chương trình hỗ trợ… qua đó, giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ trực tiếp thực hiện những phương án và giải pháp sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Bên lề lớp tập huấn, phóng viên Báo Ninh Thuận ghi lại một số ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp xung quanh nội dung trên:
Ông Tôn Thất Anh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận:"Hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường"Đây là một chương trình quan trọng, hết sức thiết thực đối với những doanh nghiệp như chúng tôi. Là công ty sản xuất về muối, nếu áp dụng công nghệ sản xuất muối sạch thì sẽ đảm bảo về chất lượng cho khách hàng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm. Rõ ràng sản xuất sạch hơn là một chiến lược, một công cụ quản lý nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường lao động và sức khỏe nghề nghiệp cho công nhân. Nhìn chung, sản xuất sạch hơn có thể được áp dụng trong tất cả các ngành công nghiệp tại tỉnh ta hiện nay nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm và làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường của từng doanh nghiệp"
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xi-măng Phương Hải:"Mang lại lợi ích lâu dài"Từ thực trạng môi trường trong công nghiệp tại tỉnh ta cho thấy, tác động tổng hợp các chất thải ra môi trường là rất lớn và ngày càng nghiêm trọng. Các loại chất thải không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp mà tác hại lớn hơn là ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân ở các khu vực xung quanh. Do vậy, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là rất cần thiết.
Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền mới, hiện đại hơn 6 tỷ đồng để nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Với công suất từ 35.000 – 50.000 tấn/năm, hàng năm nếu xử lý tốt vấn đề môi trường thì chúng tôi thu được từ 10% – 20% lợi nhuận. Nếu tính theo từng công đoạn trong quá trình sản xuất thì hiệu quả và lợi ích từ việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là rất lớn. Trước hết, tiết kiệm chi phí thông qua giảm lãng phí năng lượng và nguyên liệu, cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty, từ đó mang lại chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm cao hơn, thu hồi một lượng nguyên liệu bị hao phí trong quá trình sản xuất, có khả năng cải thiện môi trường làm việc, cải thiện hình ảnh của công ty, có được các cơ hội tiếp cận thị trường mới và tốt hơn."
Bà Hồ Thị Xuân Thu, Chuyên viên Phòng Kinh tế, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm:"Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền"Cốt lõi của sản xuất sạch hơn là nhằm vào công nghệ để tìm ra những giải pháp giảm phát thải, giảm nguyên liệu đầu vào, để cuối cùng là đề ra được giải pháp tốt nhất mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp. Chính vì thế, công tác tuyên truyên, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu và nắm bắt được nội dung của Chiến lược Sản xuất sạch hơn là một công việc rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi doanh nghiệp nắm được chiến lược này, họ sẽ tiếp cận và áp dụng vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của mình; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực vào chương trình sản xuất sạch hơn, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và giải quyết tốt vấn đề môi trường, theo tôi, Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho doanh nghiệp tham quan, học hỏi kinh nghiệm các doanh nghiệp đã áp dụng Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về chương trình này. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp điển hình thực hiện sản xuất sạch hơn dựa trên các tiêu chí theo quy định hiện hành."
Dạ Nguyệt (thực hiện)