Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:31 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Giải pháp thương mại quốc tế cho rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn

10/08/2020

Nhiều quốc gia đã bắt đầu đặt ra những chính sách thương mại hướng tới nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn như một nỗ lực để ngăn ngừa vấn nạn rác thải và biến đổi khí hậu.
Vừa qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Sách Trắng về Nhựa, Kinh tế tuần hoàn và Thương mại toàn cầu nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh cũng như giải pháp cho rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên góc độ toàn cầu.
Vấn nạn rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19
Rác thải có xuất xứ nước ngoài xuất hiện tại một làng nghề tái chế ở Việt Nam. 
Trong suốt thập kỷ vừa qua, vấn nạn rác thải nhựa đã nhận được nhiều hơn sự chú ý và quan tâm từ phía cộng đồng, doanh nghiệp, chính phủ cũng như các bên liên quan. Một số quốc gia đã áp dụng chính sách cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, phạt nặng các hành vi xả thải bừa bãi, yêu cầu phân loại rác bắt buộc. 
Các doanh nghiệp cũng nỗ lực cải tiến bao bì bên cạnh việc truyền thông thay đổi nhận thức của người tiêu dùng để tăng tỷ lệ thu gom và tái chế. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế nhựa vẫn chỉ đạt mức 14,14%, thấp hơn rất nhiều so với vật liệu giấy hay kim loại.
Đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự gia tăng đáng kể trong nhu cầu sử dụng nhựa tại nhiều quốc gia, chủ yếu là các trang bị y tế cá nhân (khẩu trang, găng tay…) cũng như dùng để đóng gói hàng hóa, thực phẩm đặt hàng trực tuyến. Ở một số nơi, những lệnh hạn chế sử dụng nhựa và ni lông được ban hành trước đó cũng tạm thời bị dỡ bỏ.
Cơn khủng hoảng rác nhựa dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn khi nhiều nhà máy tái chế, cũng như các lực lượng thu gom rác thải phi chính thức đều đang phải hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Bên cạnh hoạt động tiêu dùng trong nước, quy trình tái chế rác thải nhựa cũng đang gặp phải khó khăn đến từ việc quản lý luồng phế thải xuyên biên giới. Theo các chuyên gia từ WEF, một số doanh nghiệp có thể lợi dụng sự thiếu sót trong các quy định về vận chuyển phế liệu xuyên quốc gia để đẩy phần ô nhiễm sang nước khác. Ngoài ra, nhiều nhóm tội phạm buôn lậu rác thải đang hoạt động rất mạnh mẽ, kéo theo cả sự vào cuộc của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL).
Chính sách thương mại hướng tới xây dựng kinh tế tuần hoàn
Các nước đang phát triển rất cần tiếp thu công nghệ tái chế hiện đại để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa.
Các chuyên gia của WEF nhận định, việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho vật liệu nhựa nhằm tối ưu hóa tỷ lệ tái chế, giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa cần có sự tham gia, phối hợp tích cực giữa các quốc gia. Mối hợp tác này cần được điều chỉnh, quản lý một cách rõ ràng và minh bạch thông qua những chính sách thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, WEF cũng nhấn mạnh các biện pháp thương mại cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh bị lạm dụng, tạo ra cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm méo mó tự do thương mại.
Cụ thể, WEF đưa ra một số giải pháp như sau:
Đầu tiên, cải thiện chính sách đầu tư. Theo đó, một số yếu tố liên quan tới môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, ưu đãi từ chính phủ gây ảnh hưởng tới quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn đang rất cần nguồn lực cũng như công nghệ để giải quyết vấn đề rác thải.
Các chuyên gia cho rằng, xét đến cùng, lợi nhuận mới là mục đích cao nhất của hoạt động đầu tư. Các chính sách đầu tư kém rõ ràng hoặc thiếu thuận tiện có thể khiến doanh nghiệp lo ngại về tỷ suất sinh lời, dẫn đến e ngại đưa ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, hợp tác về phương diện pháp lý. Để quy trình tái chế chất thải được thực hiện trên quy mô toàn cầu, các sản phẩm nhựa cần phải được đồng bộ hóa về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hệ thống nhãn dán.
WEF đề xuất các khối liên kết kinh tế, thương mại có thể cùng làm việc với nhau, vận động các quốc gia thành viên cũng như các đối tác tham gia tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin về thành phần hóa học cũng như nhãn dán nhận biết trên các sản phẩm nhựa, đồng thời ban hành tiêu chuẩn chung cho những sản phẩm nhựa đạt chuẩn, được phép lưu hành trên thị trường.
Thứ ba, đưa tiêu chuẩn môi trường vào trong các hiệp định tự do thương mại (FTA). Hiện nay, các FTA thế hệ mới, bên cạnh những điều khoản thương mại hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ thông thường, đã bắt đầu đưa thêm một số cam kết liên quan tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ WEF cho rằng, cần có những ràng buộc cụ thể hơn về vật liệu nhựa trong các FTA, ví dụ như quy định về thành phần hóa học, kiểu dáng thiết kế và tiềm năng tái chế. Những quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Thứ tư, thúc đẩy quá trình sửa đổi và thực thi Công ước Basel. Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng đã được thông qua từ năm 1989, tuy nhiên cho đến nay vẫn vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, với lý do lo ngại các tiêu chuẩn quá khắt khe gây tổn thương tới tiến trình tự do hóa thương mại.
Hiện nay, ban thư ký Công ước Basel đang chuẩn bị hoàn thiện đề xuất sửa đổi Công ước, với những quy định linh hoạt hơn để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị tái chế trên góc độ toàn cầu.
WEF cho biết, các nước đang phát triển như Việt Nam có thể nhận được lợi ích lớn nếu tích cực tham gia Công ước Basel. Cụ thể, công ước này bảo vệ các nước đang phát triển khỏi khủng hoảng rác thải do những luồng phế liệu kém chất lượng từ nước ngoài gây ra, bên cạnh việc khuyến khích xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế với tiềm năng phát triển cao.
Theo Theleader