Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân (ảnh), Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TP.HCM, cuộc cách mạng công nghiệp mang lại sự phát triển thần tốc đồng thời đặt ra những thách thức to lớn như:
tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài nguyên thiết yếu để phát triển xã hội, dân số gia tăng nhanh chóng, sự biến đổi khí hậu cùng những phát sinh nguồn thải ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người... Vì vậy, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả quốc gia trên thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TP.HCM
Rác thải đầu ra của ngành này là nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác
Kinh tế thẳng (hay kinh tế tuyến tính) là khái niệm được sử dụng trong các nền kinh tế trước đây. Nền kinh tế này vận hành như một dòng chảy, biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thành vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua một loạt bước tạo thêm giá trị gia tăng, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt. Từ đó dẫn đến việc sử dụng quá mức, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, trong khi nhu cầu đòi hỏi phát triển lại ngày càng gia tăng (do áp lực của gia tăng dân số toàn cầu).
Khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) dùng để chỉ mô hình kinh tế mới, dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. KTTH một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu gần đây, công bố ngày 13/6/2020 trên tạp chí hàng đầu về môi trường trên thế giới (Resources, Conservation and Recycling) cho thấy áp dụng KTTH là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao khả năng hồi phục sức khỏe và chiến lược y tế đối với dịch bệnh, như Covid-19.
KTTH tạo ra một số thay đổi cơ bản cho Việt Nam
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân cho rằng, việc áp dụng chính sách KTTH tạo ra một số thay đổi cơ bản cho Việt Nam. Trước nhất, thay đổi chất lượng môi trường sống. Do đặc tính của KTTH là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia dẫn đến “zero waste” hay nền kinh tế không rác thải, giảm nguồn ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống, một cách gián tiếp cải thiện sức khỏe cho cộng đồng. Đồng thời, nền KTTH cũng góp phần làm giảm phát thải nhà kính và biến đổi khí hậu.
Tiếp đến, mô hình kinh tế này giúp tìm kiếm và phát triển công nghệ mới để sử dụng các nguồn tài nguyên thay thế cho nguyên liệu thô và năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá và dầu khí. Các loại tài nguyên này của Việt Nam đang cạn kiệt dần và phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, KTTH giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Giá nguyên liệu thô tăng thường kéo theo những hệ quả tiêu cực cho sự ổn định của nền kinh tế, nhất là đối với các nước nghèo.
Sau cùng, mô hình KTTH sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mô hình này tạo ra các cơ hội kinh tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế và sáng tạo. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn... đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, góp phần làm tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ngoài ra, nền KTTH còn tạo nên sự thay đổi về nhận thức của từng cá nhân khi chất lượng sống được cải thiện. Khi nhận thức được tác động tích cực mà nền KTTH mang lại, họ sẽ góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện nền kinh tế này.
Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (vườn - ao - chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái - ecological industrial zone”, “Sản xuất sạch hơn - cleaner production”, “Không phát thải - zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của KTTH - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện trong các chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và được các trường, viện triển khai nghiên cứu như Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ tài nguyên và môi trường, Viện môi trường và tài nguyên - ĐHQG-HCM. Điều này cho thấy việc áp dụng mô hình KTTH có những thuận lợi đáng kể.
Theo Báo Khoa Học Phổ Thông