Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 18/11/2024 | 03:25 GMT+7

Tin hoạt động

Áp dụng SXSH để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may

10/06/2011

Những rào cản phải đối mặt

Trong quá trình hội nhập kinh tế, ngành Dệt May cũng như nhiều ngành khác ỏ nước ta phải đối mặt với những rào cản thương mại quốc tế rất đa dạng và phức tạp, đó là rào cản thuế quan, rào cản phi thuế quan và rào cản kỹ thuật ... Năm 2005, ngay sau khi xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu, Mỹ, Canađa, Nhật và các nước Châu Âu khác đã dựng lên rào cản thương mại xanh (green trade barrier) buộc các nước có hàng dệt may xuất khẩu phải đảm bảo yêu cầu về điều kiện vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng nhất là trẻ sơ sinh. Sản phẩm không được sử dụng loại thuốc nhuộm gây ung thư, ít giải phóng fomanđêhit. Thị trường Nhật Bản đòi hỏi hàng dệt may phải có chứng chỉ sạch và thân thiện môi trường. Ở Mỹ, đầu năm 2010, Đạo luật Bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ, Đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng -CPSIA- có hiệu lực. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ phải được bên thứ ba chứng nhận tuân thủ các quy định về an toàn sản phẩm. Sản phẩm may mặc phải được xét nghiệm tính dễ cháy, các hóa chất độc hại, đặc biệt là các kim loại nặng. Theo rào cản kỹ thuật này, Việt Nam phải có phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn, được phía Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận. Trong buổi gặp gỡ với các cơ quan truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Nancy Nord- Ủy viên Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) nói rằng: Khi nhà sản xuất Việt Nam mua nguyên liệu của các nhà cung cấp khác nhau, họ vẫn phải đáp ứng yêu cầu của CPSIA. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng. Sản phẩm vi phạm có thể bị tịch thu, bị tiêu hủy, mức phạt có thể lên đến 15 triệu USD và có thể bị truy tố hình sự đối với một số trường hợp nhất định. Bà Nancy Nord đã cảnh báo: Đây là luật nên không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà tất cả các nhà sản xuất các nước khác đều phải tuân thủ. CPSC rất nghiêm khắc, chỉ một lỗi nhỏ của chuỗi sản xuất cũng ảnh hưởng đến sản xuất và cả ngành công nghiệp của một đất nước.

Vượt qua rào cản

Ngành Dệt May ở nước ta hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp, bao gồm gần 2,5 triệu lao động. Những năm qua, trong chiến lược tăng tốc, ngành Dệt May đã chú trọng đáng kể đầu tư vào khâu nhuộm, in hoa với nhiều thiết bị tốt, kỹ thuật hiện đại; đồng thời, rà soát một cách kỹ lưỡng những hoá chất, chất trợ, thuốc nhuộm đang sử dụng và tập trung vào xử lý nước thải của các doanh nghiệp nhằm giảm ô nhiễm môi trường làm cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch - xanh, được thị trường chấp nhận về mặt môi trường và sinh thái.

Ở Công ty Dệt Việt Thắng, Công ty Dệt-May Thắng Lợi, Dệt 8-3, Dệt kim Đông Xuân, Dệt Nam Định, Công ty 28 (Bộ Quốc phòng), Công ty Nhuộm Yên Mỹ... những máy nhuộm, in hiện đại đã làm cho năng suất cao, chất lượng tốt làm giảm ô nhiễm môi trường. Ở những doanh nghiệp chưa có điều kiện thay thế thiết bị công nghệ hiện đại, việc nhuộm còn sử dụng nhiều hoá chất, thuốc nhuộm, tốn nhiều nước đã tập trung xử lý hệ thông nước thải như: Công ty Dệt nhuộm Tân Tiến và Công ty Dệt len Bình Lợi ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, ngành dệt nhuộm còn xây dựng thêm các khu công nghiệp dệt nhuộm có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tại một số địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Trà Vinh.

Để ngành Dệt may phát triển bền vững, tiếp tục duy trì ở top 5 và tiến lên top 3 trên thế giới về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), chuyển sang loại hình sản xuất “thân thiện với môi trường”.

Ngay từ năm 1999-2000, nhiều doanh nghiệp đã tham gia SXSH như Công ty Dệt lụa Nam Định, Cơ sở nhuộm Nhất trí, Công ty Dệt Sài Gòn, Công ty Dệt Phước Long, Công ty Dệt nhuộm Trung Thư, Cơ sở dệt nhuộm Thuận Thiên. Năm 2001, Tập đoàn Dệt may đã đưa 10 doanh nghiệp lớn tham gia SXSH. Các giải pháp thực hiện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ quản lý nội vi, kiểm soát quá trình sản xuất, thay đổi nguyên liệu đến cải tiến thiết bị công nghệ sản xuất mới, tùy theo năng lực tài chính, trình độ của công nhân các doanh nghiệp tham gia SXSH đã thu được kết quả đáng kể làm tăng năng suất, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, các xí nghiệp nhuộm, tùy theo công nghệ và thiết bị sản xuất, tính ra trung bình khi tham gia SXSH cứ mỗi tấn sản phẩm có tiềm năng tiết kiệm khoảng: 0,2 - 0,5 kg thuốc nhuộm; 100 - 200 kg hóa chất và chất phụ trợ; 50-100 m3 nước, giảm lượng tiêu thụ khoảng 150 kg dầu và khoảng 50 - 150 kWh điện. Trong thời gian qua, ngành Dệt may đã đầu tư cho SXSH hơn 500.000 USD, tiết kiệm được 2 triệu USD, thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp từ 1-17 tháng. SXSH đang là chìa khóa để ngành Dệt may vượt qua rào cản mở rộng thị trường xuất khẩu.

Yến Tuyết