Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (thứ hai, từ phải sang) thăm và kiểm tra mô hình xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quỳnh Phụ.
Qua kiểm tra thực tế, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đánh giá cao công nghệ xử lý rác thải của nhà máy đã khắc phục được việc không cần phân loại rác thải tại nguồn, có quy mô phù hợp với việc xử lý rác thải của các huyện, qua thời gian 6 năm hoạt động tương đối ổn định, chưa xảy ra vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Đồng chí cũng đề nghị nhà máy cần nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa công nghệ xử lý rác thải, cải tiến cả tính năng và hình thức để nhà máy xử lý rác thải tiếp theo được xây dựng sẽ đạt được hiệu quả tối ưu.
Đồng thời, các cơ quan chức năng có liên quan cũng nghiên cứu đánh giá chính thức về công nghệ xử lý rác thải của nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quỳnh Phụ, từ đó làm cơ sở cho các địa phương trong tỉnh nghiên cứu phương án đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung phù hợp trong thời gian tới, góp phần giải quyết tình hình xử lý rác thải nông thôn tại Thái Bình.
Được biết, năm 2015, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quỳnh Phụ đã nghiên cứu thành công hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt TTD-01, phù hợp với việc xử lý rác tại Việt Nam, được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế, giải Nhất cuộc thi "Sáng tạo Khoa học Công nghệ" tỉnh Thái Bình.
TTD01 là công nghệ xử lý rác thải 100% Việt Nam, toàn bộ vốn đầu tư thấp hơn rất nhiều lần so với giá nhập của nước ngoài. Bên cạnh đó có thể nâng công suất lên so với nhu cầu hoạt động thực tế cũng là một thế mạnh của dây chuyên “Made in Việt Nam” này.
Công nghệ xử lý rác TTD-01 hoạt động theo quy trình khép kín, phân loại rác - rửa rác - tái chế tạo ra sản phẩm - nước thải được xử lý quay vòng lại để phục vụ sản xuất. Hoạt động này khép kín như một vòng tuần hoàn, không thải bất kỳ lượng nước thải nào ra ngoài môi trường.
TTD-01 đã phân loại và xử lý tối đa các loại rác mà không phải đốt, không chôn lấp, phân loại rác hoàn toàn bằng máy, vì thế chất hữu cơ và vô cơ được tách riêng hoàn toàn và trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ và hạt nhựa. Cụ thể, nguồn rác hữu cơ được sản xuất thành phân hữu cơ TĐ16 và TĐ17 chất lượng cao phục vụ nông nghiệp với sản lượng 100 tấn/ tháng. Phân hữu cơ TĐ16 và hữu cơ khoáng TĐ17 do dây chuyền TTD-01 sản xuất, cho năng suất tăng từ 10 – 20%/ha. Còn nguồn nilon, rác thải nhựa được tái chế thành hạt nhựa phục vụ sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, doanh nghiệp chủ đầu tư công nghệ là công ty Thành Đạt sẽ đầu tư chuỗi 5 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, công suất 100 tấn/nhà máy/ngày theo công nghệ TTD-01 tại tỉnh Thái Bình và các tỉnh Bắc Giang, Đắc Nông với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng.
Hải Yến