Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:24 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Bao bì tự hủy sinh học - Sản phẩm thân thiện môi trường

27/04/2020

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thay thế túi ni lông. Trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là túi ni lông khó phân hủy đã ở mức cao, xu hướng sử dụng các sản phẩm “xanh” trong xã hội ngày càng mạnh mẽ. Các nhà khoa học, nhà phát triển công nghệ cùng các doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này để nghiên cứu và đưa ra thị trường các loại bao bì thân thiện với môi trường.
Bao bì thân thiện với môi trường ngày càng được các siêu thị sử dụng nhiều. Ảnh: Mai Phương
Túi thân thiện môi trường phân hủy trong 2 năm

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Xuân Thanh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), có một số loại vật liệu từ trước tới nay vẫn được coi là thân thiện với môi trường như thủy tinh, giấy, gỗ,… Mỗi loại có những ưu, nhược điểm riêng. Vật liệu từ thủy tinh không gây độc hại, dễ tái sử dụng và tái chế, tuy nhiên trọng lượng và đặc tính dễ vỡ của thủy tinh làm tăng chi phí sản xuất, vận chuyển. Chất liệu giấy hay gỗ dễ dàng phân hủy, dễ tái chế, có độ dai bền, ít gây ô nhiễm môi trường khi trở thành rác thải. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất giấy đã ảnh hưởng tới môi trường do làm tăng tình trạng phá rừng. Vì vậy, các loại bao bì bằng vật liệu mới được các nhà phát triển công nghệ đặc biệt chú ý. Trong đó, túi “tự hủy sinh học” là sản phẩm thân thiện môi trường được nhắc tới nhiều nhất.

Bao bì thân thiện với môi trường là bao bì có khả năng tự phân hủy 60% trong thời gian 2 năm. Đây là quy định đề ra trong nội dung của Thông tư số 07/ 2012/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Cũng theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì, nhưng hiện tại mới có 41 công ty đạt được Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đến nay, khoảng 10 Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực (thông thường có hiệu lực 3 năm). Khu vực miền Bắc có 3 công ty có Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung, đơn vị được cấp Giấy chứng nhận nói trên, có 2 dạng túi ni lông tự hủy sinh học được biết tới rộng rãi: Loại thứ nhất dùng xen-lu-lô 100% từ thiên nhiên như bông đay, gai, gỗ hay từ tinh bột ngô, khoai, sắn, bột mỳ… Loại này không có thành phần nhựa, phân hủy 100% trong tự nhiên. Tuy nhiên, sản phẩm có giá thành cao, thời gian và công suất sản xuất chỉ bằng một phần hai so với túi ni lông bình thường. Loại thứ hai là loại túi được sản xuất từ nhựa PE (polyethylene) có trộn thêm chất phụ gia phân hủy sinh học, còn gọi là phân hủy sinh học OXO.

Túi tự hủy sinh học - đáp ứng nhiều yêu cầu

Bà Nguyễn Thị Liên Phương cho biết, loại túi sản xuất từ vật liệu PE cùng một lượng rất nhỏ chất phụ gia, khoảng 1-3% khối lượng vật liệu, có thể bắt đầu phân hủy ngay sau khi sản xuất và sẽ tăng tốc khi tiếp xúc với nhiệt, ánh sáng. Thời gian để chất dẻo phân hủy có thể từ 6 tháng đến 2 năm sau tùy vào công thức chế tạo. Loại túi này thông dụng hơn bởi dễ sản xuất, giá cả hợp lý. Thời gian sản xuất và công suất không chênh lệch với túi thông thường quá nhiều.

Túi tự hủy sinh học theo công nghệ nói trên có thể được các vi sinh học hấp thụ hoàn toàn vào trong đất hoặc nước, phân hủy ở bất cứ môi trường trong nhà hay ngoài trời, thậm chí là không cần có nước. Hiện nay, sản phẩm bao bì tự hủy sinh học của Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung đã được các hệ thống siêu thị lớn đặt hàng.

Bà Nguyễn Lệ Hằng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao cũng cho biết, hiện nay, sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn này đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng châu Âu đánh giá cao. AnEco khi được chôn xuống đất, trong vòng 6 tháng sẽ phân hủy thành CO2, nước và phân mùn nuôi cây trồng, hoàn toàn không để lại chất hóa học gây hại môi trường. Trong thời gian tới, Tập đoàn này sẽ phát triển các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn thân thiện với môi trường khác như ống hút, dao, thìa, dĩa, cốc tự hủy.

Các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ hiện không chỉ chú ý tới tính năng thân thiện với môi trường mà còn mong muốn phát triển thêm nhiều tính năng khác cho bao bì tự hủy sinh học. Bà Nguyễn Thị Liên Phương cho biết, sản phẩm bao bì Green Map của Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung, ngoài tính năng tự hủy còn có tính chất bao gói khí quyển biến đổi (modified atmosphere technology - MAP). Đó là kỹ thuật kiểm soát bầu không khí dựa trên quá trình hô hấp tự nhiên của sản phẩm và tính thấm khí của bao bì. Tính năng này nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản các loại rau quả tươi lâu hơn (có thể tăng đến 25-30% thời gian bảo quản so với túi phân hủy sinh học thông thường). Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cũng đang nghiên cứu loại bao bì thông minh ứng dụng trong bảo quản thực phẩm. Loại túi này có khả năng cảm ứng các yếu tố như nhiệt độ và đo lường chất lượng của sản phẩm. Từ đó nhận biết được mức độ tươi sống của thực phẩm và báo hiệu cho người sử dụng biết.
Theo Báo Hà Nội mới