Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 01:48 GMT+7

Tin hoạt động

Tiết kiệm năng lượng: Mấu chốt là vốn và công nghệ

13/10/2014

Đó làm một trong những kiến nghị chính được đưa ra tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức sáng ngày 21/8/2014.

Phát triển “nóng” phá vỡ quy hoạch


Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết: Quá trình đổi mới đất nước là quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng Việt Nam. Nguồn điện hiện nay cả nước là 35.000 MW, điện lượng phát ra hàng năm trên 100 tỷ kWh, ngành Điện đã đưa điện về 98% số xã và trên 96% hộ dân trong cả nước, đẩy mạnh phát triển điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Ngành Dầu khí đạt 25 triệu tấn dầu qui đổi (dầu 16 triệu tấn/năm, khí 9 tỷ m3/năm), ngành dầu khí đã đóng góp từ 25-30% vào NSNN, cung cấp khoảng 30% lượng xăng dầu cho nền kinh tế; Ngành than đạt 40 triệu tấn/năm, cung cấp đủ than cho ngành điện và các ngành kinh tế khác.

Nhà nước cùng các tập đoàn đã chi hàng trăm tỷ USD cho việc xây dựng các dự án, cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng. Tuy nhiên theo vị Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, tiêu hao năng lượng của cả nước đang hết sức lãng phí. Theo đó, cường độ tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị/sản phẩm còn rất cao, gấp 5-6 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới.


Cụ thể, nhiều năm qua, người dân ồ ạt trồng cây thanh long tự phát, tràn lan, không theo quy hoạch, tốc độ phát triển tăng cao 70 - 80%/năm. “Tại nhiều vùng như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu… Diện tích trồng thanh long tại Bình thuận hiện nay hơn 22.000ha (chiếm tới hơn 75% diện tích trồng thanh long của cả nước), trong khi quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2015 được tỉnh phê duyệt chỉ là 15.000ha. Tại tỉnh Long An, diện tích thanh long năm 2012 gần 1.400 ha và năm 2013 là gần 3.000 ha. 6 tháng đầu năm 2014 trên 5.200ha (tăng trưởng hơn 100%). Việc phát triển nóng cây thanh long dẫn tới tình trạng thiếu điện chong đèn thanh long ra hoa trái vụ xảy ra thường xuyên” – đại diện của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.


Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (tăng hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014). Trong đó, Sóc Trăng là một ví dụ điển hình. Tại đây, nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng điện sinh hoạt để chạy quạt phục vụ nuôi tôm nên xảy ra trình trạng quá tải cục bộ dẫn tới nhiều trường hợp trạm biến áp công cộng quá tải, cháy, nổ, gây mất điện liên tục, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.


Báo cáo tại Hội nghị cũng cho thấy, phát triển của hai ngành xi măng và thép cũng vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu. Với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn xi măng dư thừa. Theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015 tổng công suất đạt 75 triệu tấn và dư thừa khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu. Ngành thép hiện nay có khoảng hơn 65 dự án sản xuất gang, thép công suất trên 100.000 tấn/năm. Đáng lưu ý, trong số này có đến 32 dự án do các địa phương tự cấp phép nằm ngoài quy hoạch.

“Công suất thép xây dựng dư thừa tới 1,5- 2 lần so với nhu cầu của xã hội. Tổng công suất cả nước hiện lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn” – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam viện dẫn con số của Hiệp hội thép Việt Nam và Bộ Công Thương.


“Đa số các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng ở nước ta có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hầu hết là nhập khẩu từ Trung Quốc, không thân thiện với môi trường…dẫn tới cường độ tiêu thụ điện bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm cao hơn so với các nước trên thế giới (17% cao hơn đối với sản xuất xi măng và 57% cao hơn đối với sản xuất thép)” – Một số chuyên gia đưa ra quan điểm.

Cho DN vay thay đổi công nghệ


Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra giải pháp để thúc đẩy và triển khai sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo ông Ngãi, Nhà nước cần có cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn hơn nữa cho doanh nghiệp (DN). Cụ thể là không phải dừng lại ở mức trần hỗ trợ 5 tỷ đồng cho 1 doanh nghiệp như hiện nay mà trên cơ sở đề xuất của các đơn vị cần vốn để đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho vay với gói tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Gói ưu đãi này có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

“Cần phải có những chính sách hỗ trợ như, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các dây chuyền công nghệ, các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những cơ sở và hộ tiêu dùng có kết quả tiết kiệm năng lượng tốt. Xây dựng định mức đối với các doanh nghiệp, các nhà máy, các hộ tiêu thụ khác về sử dụng năng lượng. Hàng năm cần phải có kiểm toán đặc biệt đối với các hộ sử dụng năng lượng lớn để đánh giá được kết quả thực hiện và đi đôi với việc thưởng, phạt nghiêm minh” - ông Ngãi cho hay.


Cũng theo ông Ngãi, cần có chủ trương để các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất 3 ca (đặc biệt là ca 3 từ 10h đêm đến 6 giờ sáng). Tránh căng thẳng việc sử dụng năng lượng vào các giờ cao điểm. Bên cạnh đó, tăng cường khai thác sử dụng các dạng năng lượng khác như Bioga trong chăn nuôi nông nghiệp, cần xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng đối với ngành xây dựng, cần thay thế những xe, máy tiêu hao nhiều năng lượng trong ngành giao thông.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đầu ngành về năng lượng đưa ra quan điểm chung rằng ngành năng lượng Việt Nam cần có một quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia, gồm các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, cần sớm hiệu chỉnh Tổng sơ đồ Điện VII một cách hợp lý nhất, sát với thực tế theo tốc độ phát triển của nền kinh tế và cần quan tâm đến môi trường.


“Chính phủ cần có quy hoạch chiến lược phát triển năng lượng gió, vì tiềm năng gió VN rất lớn, có thể sản xuất được nhiều nghìn MW điện thay thế cho năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, cải thiện ô nhiễm môi trường’ – lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng kiến nghị.

Kiến nghị thành lập Bộ Năng lượng

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…nghiên cứu thành lập Bộ Năng lượng giúp Nhà nước, Chính phủ quản lý và chỉ đạo ngành năng lượng, trong đó có việc chỉ đạo mục tiêu quốc gia cũng như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. “Bộ Công Thương hiện giờ quản lý quá nhiều ngành nghề mà con người thì có hạn, đang rơi vào tình trạng xử lý sự vụ là chính, không đi vào nghiên cứu, phân tích, đưa ra các giải pháp tối ưu cho Nhà nước về ngành năng lượng. Đây là ngành quan trọng, liên quan an ninh năng lượng quốc gia. Nếu có Bộ quản lý ngành này thì từ chỉ đạo, quản lý, điều hành cho đến quy hoạch, phát triển, đầu tư, giám sát tiến độ dự án…hiệu quả sẽ cao hơn nhiều lần như hiện nay” – ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm.

Trần Ngọc Thọ