Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:09 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xã hội hoá đầu tư xử lý rác thải: hướng đi phù hợp giúp giảm áp lực môi trường đô thị

15/04/2020

Gia tăng dân số tự nhiên, cộng thêm lượng dân nhập cư mới chiếm tỷ lệ không nhỏ và thói quen tiêu dùng nhanh của đại bộ phận người dân đã gây áp lực không nhỏ lên các thành phố.

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của thành phố đã tăng từ 7.000 tấn năm 2017 lên 10.000 tấn cuối năm 2019. Lượng rác thải công nghiệp cũng tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày. Riêng rác thải xây dựng tăng 3 lần trong vòng 2 năm.

Theo dự báo, đến cuối năm 2020 lượng rác thải tính riêng tại TP sẽ tăng khoảng 15% nữa. Đây sẽ là áp lực rất lớn đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải của thành phố, nhất là trong bối cảnh công nghệ xử lý rác thải chủ yếu của thành phố là chôn lấp hợp vệ sinh. 

Xã hội hoá đầu tư xử lý rác thải

Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải nhựa (12/12/2019)

Ảnh ST

Theo các chuyên gia, xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải có thể áp dụng cho xử lý nước thải, bùn thải, rác thải… Để hiện thực hoá hình thức này, các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp cho từng loại chất thải phải xử lý.

Với rác thải sinh hoạt, hiện cơ bản đã có đơn giá và nhiều doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải đã và đang hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn chất thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Do vậy, song song với giải pháp thu hút nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này, thì cũng cần yêu cầu các đơn vị đang vận hành phải chuyển đổi công nghệ xử lý theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững mới của thành phố. 

Vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo các ban ngành liên quanh khẩn trương chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn. Trước mắt, ưu tiên xã hội hóa đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại.

Hiện tại, TP đã cấp phép đầu tư và khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ đốt rác phát điện. Cụ thể, Công ty CP Vietstar (đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ ủ khí, tái chế rác thành phân compost), Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (đang xử lý rác bằng phương pháp đốt) đã chuyển đổi công nghệ xử lý bằng việc khởi công xây dựng nhà máy xử rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện 2.000 tấn/ngày.

Riêng nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày cũng vừa được Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu khởi công vào tháng 12-2019. Ngoài ra, trong năm 202, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, Công ty Tasco… cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải nhằm bắt kịp xu hướng phát triển bền vững của thành phố. 

Một trong các nhà đầu tư, ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, cho biết 5.000 tỷ đồng đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý đốt rác phát điện sẽ cho doanh nghiệp lợi nhuận kép. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thu được chi phí từ xử lý rác và bán  điện sạch với giá ưu đãi của Chính phủ.

Về mặt môi trường, công nghệ xử lý rác hiện đại  giúp giảm áp lực về quỹ đất của thành phố, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác, mùi hôi từ bãi chôn lấp. Về lâu dài, diện mạo thành phố sẽ được cải thiện văn minh và sạch đẹp hơn do ít “núi rác” tồn dư. 

Theo các chuyên gia từ Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, ưu tiên cần đặt ra là kiểm soát  khí thải của các nhà máy đốt rác phát điện nhằm tránh những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân. Do đó, Sở TN-MT TPHCM đã có phương án tăng cường kiểm tra cũng như hậu kiểm chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc những trường hợp không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Việc đưa vào khởi công hàng loạt nhà máy xử lý rác thải hiện đại cho thấy quyết tâm của thành phố nhằm cải thiện điều kiệm môi trường chung, đảm bảo sức khoẻ người dân và hiện thực hoá mục tiêu giảm  50% lượng rác thải chôn lấp trong năm 2020.

Tuệ An