Theo quy hoạch điện của Việt Nam hiện nay, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chạy than đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất với khoảng 26 nhà máy, tổng công suất khoảng 26.000 MW (chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống), sản xuất khoảng 131 tỉ kWh (chiếm 49,3% sản lượng điện). Càng phát triển, công suất càng cao thì một vấn đề đặt ra cho các nhà máy nhiệt điện là tro xỉ thải ra qua đáy lò hơi và bay qua ống khói sẽ xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường.
Tro xỉ nhiệt điện than được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung
Tài nguyên khoáng sản thứ sinh
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, xét về mặt khoa học với các thành phần khoáng vật (carbon cố định, chất bốc hữu cơ, chất bốc vô cơ, nước) và nguồn gốc hình thành, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chạy than được xếp vào danh mục tài nguyên khoáng sản thứ sinh, nghĩa là do con người tạo ra trong quá trình khai thác, chế biến… Các chất chính có trong tro xỉ là 8 loại ô xít kim loại gồm: SiO2, Al2O3, Fe2O3, CaO, NaO, K2O, MgO, TiO2. Ngoài 8 loại này, có thể còn có các ô xít khác. Các loại than khác nhau sẽ có các hàm lượng của từng ô xít này khác nhau và sẽ có tỷ số a xít (acid ratio) khác nhau.
Tuy nhiên, trong tài nguyên khoáng sản thứ sinh này, cũng được phân loại dựa trên chủng loại than sử dụng trong quá trình đốt nóng như than đá, than nâu, than bùn, than mỡ… và phụ thuộc vào cả công nghệ đốt lò sử dụng nhiệt độ nào, kích cỡ của than, thời gian hạt than được cháy trong lò… Tùy theo từng hình thức, sẽ thải ra tro xỉ nhiều hay ít, chất lượng cao hay thấp.
Loay hoay xử lý tro xỉ nhiệt điện than
TS Nguyễn Thành Sơn cho hay, những loại than có hàm lượng, thành phần tro (Ash) tính tỷ lệ cao, lượng xỉ thải qua đáy lò sẽ lớn (tỷ lệ thuận), còn lượng tro bay qua ống khói phụ thuộc vào công nghệ lọc bụi của nhà máy (lọc sạch hay không sạch). Nhìn chung, các loại anthracite và than đá (hard coal) thường có độ tro cao hơn 20%, các loại than bitummous hay than nâu có độ tro thấp thấp hơn 15%. Tuy nhiên, tro bay thường nhiều hơn xỉ đáy lò.
Mỗi năm, tổng lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than trên cả nước ước tính khoảng 15 triệu tấn/năm, đến năm 2030, lượng tro, xỉ có thể sẽ tới trên 20 triệu tấn/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng tro xỉ như vậy là khá nhiều. Tuy nhiên, nguyên liệu tái sinh có độc hại hay không thì đến nay chưa có câu trả lời ngã ngũ, mặc dù theo quan niệm chung đã là chất thải thì là có hại. Bộ Công Thương từng có văn bản kiến nghị nên bỏ quy định xem tro xỉ nhiệt điện là chất thải nguy hại.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cũng khuyến cáo không nên coi tro xỉ nhiệt điện là chất nguy hại bởi sau khi kiểm nghiệm, các nhà khoa học cho thấy, so với quy định của QCVN 07:2009/BTNMT, nồng độ các nguyên tố kim loại nặng có trong tro, xỉ nhiệt điện than nhỏ hơn từ vài chục lần tới mấy nghìn lần mức cho phép. Thậm chí, nồng độ này trong tro, xỉ còn thấp hơn nồng độ trong cơ thể động vật, không có gì phải lo ngại.
Ông nói: “Ngay như con người trong cơ thể cũng có chất sắt để làm máu đỏ, có chất kẽm để giúp cơ thể tăng cường khả năng sinh sản… Ở một số sinh vật khác còn có chất đồng làm cho máu xanh…”.
Nguyên liệu xây dựng hiệu quả
Vậy với lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện nay, sử dụng như thế nào để hiệu quả, không ảnh hưởng đến?
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Sơn có 6 giải pháp xử lý như tận thu các ô xít kim loại từ tro xỉ, làm nguyên liệu sản xuất xi măng (tro bay), cũng sử dụng tro bay để làm phối liệu cho các nhà máy xi măng, sản xuất gạch nung, vật liệu san lấp biển, sử dụng "xỉ đáy lò" làm nền cho đường bê tông - xi măng.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã sử dụng tro xỉ nhiệt điện để làm đường giao thông, sản xuất gạch không nung… Các nhà máy nhiệt điện đã bán tro xỉ với giá rất rẻ chỉ khoảng 10-20 nghìn đồng/tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu xây dựng.
TS Trương Duy nghĩa đánh giá: “Nếu sử dụng tro, xỉ làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như cát khai thác từ các sông gây sạt lở bờ sông và lãng phí tài nguyên quốc gia. Đây chĩnh là lỗi của ngành giao thông khi không biết tận dụng vật liệu rẻ, tro, xỉ tốt và rẻ như vậy mà lại dùng cát rất đắt. Các đường cao tốc khu vực miền Trung, nếu sử dụng tro, xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ rất tốt và tiết kiệm rất nhiều chi phí”.
Và với khoảng 10 triệu tấn tro xỉ mỗi năm, ông cũng tính toán sẽ làm được 5 tỉ viên gạch đặc theo kích thước chuẩn, hoặc 10 tỉ viên gạch rỗng, đáp ứng 25% nhu cầu xây dựng trên cả nước. Đến năm 2030, Việt Nam cần 40 tỉ viên gạch không nung, nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 10-20 tỉ viên. Như vậy, tro xỉ nhiệt điện than sẽ là nguồn cung ứng dồi dào cho các nhà nghiên cứu vật liệu xây dựng.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng tro xỉ làm than tổ ong (đối với loại chưa cháy hết than).
Do việc tái chế tro xỉ có nhiều tác dụng như vậy, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi nhận thức của người dân, các nhà quản lý, cơ quan chức năng về tài nguyên khoáng sản thứ sinh này.
Để sử dụng hiệu quả, chuyên gia Nguyễn Thành Sơn kiến nghị, phải xem tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện như một nguồn "tài nguyên khoáng sản thứ sinh" có chứa các thành phần khoáng vật là ô xít (quặng) của các kim loại có ích.
Trên cơ sở đó, tận dụng tối đa các thành phần khoáng vật để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành như luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng và làm đường bộ. Bộ Xây dựng sớm xây dựng và hoàn chỉnh các TCVN có liên quan đến việc sử dụng tro bay và xỉ đáy lò của các NMNĐ chạy than. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa các lò gạch nung sử dụng đất sét (đất nông nghiệp và/hoặc đất rừng).
Theo Petrotimes