Bình Thuận: Nỗ lực cho mục tiêu sản xuất sạch hơn
08/10/2014
Ngay trong năm 2010, UBND tỉnh cũng có Quyết định 1731 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn Bình Thuận”. Theo ông Hoàng Hảo Hiệp - Phó giám đốc Sở Công Thương, Quyết định này đã nêu ra chỉ tiêu, lộ trình cụ thể và những dự án mà các bộ ngành, địa phương cần phải làm. Thông qua đó thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Thuận mở rộng SXSH để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu lẫn vật liệu. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người cũng như đảm bảo phát triển bền vững…
Theo số liệu thống kê của ngành, hiện trên địa bàn Bình Thuận có gần 6.040 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Dù vậy trong số này có khoảng 95% là hộ cá thể, chủ yếu sản xuất và chế biến theo phương thức truyền thống nên tiêu tốn nhiều nguyên - nhiên liệu, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao… Chính vì vậy để đạt mục tiêu kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra, ngành chức năng đã cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn do các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức. Mặt khác đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công tỉnh đưa vào thực hiện chương trình SXSH ngay trong năm 2010, rồi tiến hành thành lập phòng chuyên môn về SXSH vào tháng 10/2011.
Thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch, thường xuyên tập huấn hoặc tổ chức hội thảo về lĩnh vực mới mẻ này. Mới đây vào đầu tháng 10/2014, ngành phối hợp Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tổ chức “Hội thảo mạng lưới các đơn vị đầu mối, tư vấn thực hiện SXSH” tại TP. Phan Thiết. Đây là dịp để địa phương trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thỏa thuận hợp tác với các tỉnh thành nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược SXSH trong công nghiệp…
Thực tế tại địa phương, dù ngành chức năng đã có những nỗ lực trong thực hiện Chiến lược SXSH, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận chưa thể hiện nhận thức đúng mực. Được biết chỉ có những doanh nghiệp, cơ sở gặp áp lực về xử lý môi trường như chế biến hải sản, nước mắm, tinh bột mì, cao su… thì mới quan tâm đến SXSH. Vì là chương trình mới mẻ và chưa có mô hình áp dụng giải pháp để thấy rõ lợi ích của SXSH, nên việc thuyết phục các doanh nghiệp tham gia cũng rất khó khăn. Kể từ khi triển khai chiến lược, đến nay ngành đã hỗ trợ 50% kinh phí đánh giá nhanh về SXSH cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn đối diện nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ của tỉnh chưa được đào tạo chuyên sâu, phải thuê chuyên gia đến từ TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Nỗ lực cho mục tiêu sản xuất sạch hơn, sắp tới địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn. Ngay trong năm 2014 này, Sở Công Thương bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về SXSH thông qua việc điều tra tiềm năng áp dụng của 100 doanh nghiệp tham gia sản xuất trong các ngành đặc trưng ở Bình Thuận. Từ đó dựa trên kết quả khảo sát, địa phương sẽ đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng ngành với các giải pháp SXSH một cách cụ thể, nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp…
Đến năm 2015, phấn đấu có 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH Mục tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra trong giai đoạn đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận nhận thức được lợi ích trong áp dụng SXSH. Từ nay đến năm sau, địa phương cũng phấn đấu có 25% cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng SXSH và tiết kiệm từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm… |
Quốc Tín