Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 02:16 GMT+7

Sản xuất bền vững

Áp dụng nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn ở Doximex

03/02/2020

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia,  trong những năm gần đây, trình độ công nghệ trong ngành nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 - 20 năm. Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm khoảng 15 - 20%, doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ trung bình tới 65-70%, khoảng 10 – 15% DN sử dụng công nghệ thấp…
Có thể nói, hầu hết các dây chuyền nhuộm hoàn tất liên tục, kể cả những dây chuyền hiện đại mới đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh đều chưa được quản lý và khai thác công nghệ tương xứng với tính năng thiết bị.
Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp trong ngành dệt may ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; các làng nghề dệt may đa phần không sử dụng lò đốt. Vì vậy, ô nhiễm không khí với các làng nghề trên chủ yếu mang tính cục bộ, trong khu vực sản xuất như bụi phát sinh từ các nhà máy dệt. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại các làng nghề dệt may được đổ ra bãi chôn lấp chung và được các công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý chung với rác thải sinh hoạt.
Doximex đã áp dụng sản xuất sạch hơn từ nhiều năm trước 
Trước thực trạng đó, việc áp dụng sản xuất sạch hơn là yêu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp dệt may đặt ra. Ở Hà Nội, Sở Công Thương đã triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn nhiều năm qua đến các cơ sở sản xuất công nghiệp. Trong đó, nhờ áp dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân (Doximex) đã tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội.
Cho đến nay, Doximex đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…
Sau khi được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng - Sở Công Thương Hà Nội (EEC) hỗ trợ tư vấn áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) Dệt kim Đông Xuân bước đầu tiếp cận với phương pháp này. Tuy nhiên tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: Cần ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi “âm sàn”; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệp dệt; tận dụng triệt để nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi; điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, cần giải pháp hiệu quả; hoặc trong khi bụi phát sinh từ lò hơi đốt than đã được DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.
Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.
Nguyên Hương