Ngày 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Bảo vệ môi trường ngành Công Thương".
Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam; ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc; PGS.TS. Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương... cùng đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam...
Mục tiêu của Hội thảo nhằm trao đổi, đối thoại về vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường trong sản xuất, phát triển ngành Công Thương. Bên cạnh đó, hội thảo cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đóng góp ý kiến, cũng như kiến nghị cơ quan chức năng về những vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, sản xuất.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam.
Phát biểu và chủ trì tại hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam đánh giá: "Vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, trong đó ngành Công Thương là ngành có nguy cơ phát thải gây ô nhiễm môi trường cao. Thời gian qua nước ta đã chứng kiến hàng loạt các sự cố môi trường xảy ra liên quan đến nhiều ngành nghề, như: nhiệt điện, khai thác khoáng sản, sản xuất da giày và mới đây nhất là sản xuất nước sạch…Do vậy, các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các doanh nghiệp cần có kế hoạch và kịch bản cụ thể đối phó với sự cố ô nhiễm môi trường.
Trình bày tham luận, ông Hoàng Văn Vy, Cục phó Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc nhận định: "Phát triển công nghiệp là xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phát thải gây ảnh hưởng môi trường tỉ lệ thuận với sự phát triển ngành công nghiệp.
Ông Vy cho đánh giá thêm, hiện tại công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải phát sinh; khó khăn trong quản lý các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao và cuối cùng là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành "bãi rác công nghệ"…
“Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy tiếp cận cũng như tư duy quản lý trong các vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường. Chất thải là tài nguyên, không nên coi tất cả vật chất phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp đều là chất thải, đặc biệt đối với các vật chất có khả năng tái chế, tái sử dụng" – ông Vy nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, PGS. TS. Phạm Tất Thắng dẫn ra một nghiên cứu cho thấy, thương mại trực tuyến đang làm cho môi trường bị hủy hoại nhanh hơn thương mại truyền thống.
Quang cảnh tại hội thảo.
Ông Phạm Tất Thắng dẫn ra thực tế, với thương mại điện tử, số lượng bao bì đóng gói (thùng xốp, túi nilon…) tăng gấp 7 lần so với thương mại truyền thống. Sự tăng trưởng này vô hình tác động đến môi trường khi lượng chất thải tăng lên tỉ lệ thuận với sự phát triển thương mại điện tử.
Tại hội thảo, các ý kiến đưa ra còn dẫn chứng thêm về việc thương mại trực tuyến đang làm cho môi trường bị hủy hoại nhanh hơn thương mại truyền thống; hay thương mại điện tử, số lượng bao bì đóng gói (thùng xốp, túi nilon…) tăng gấp 7 lần so với thương mại truyền thống, sự tăng trưởng này vô hình tác động đến môi trường khi lượng chất thải tăng lên tỉ lệ thuận với sự phát triển thương mại điện tử.
Ở phần thảo luận tập trung, ý kiến của đa số các đại biểu đều nhất tri rằng, cần có các giải pháp phát triển thương mại bền vững gắn với bảo vệ môi trường bằng cách nâng cao nhận thức, hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế đủ mạnh. Khi môi trường tự nhiên được bảo vệ sẽ là nền tảng cho sự phát triển thương mại bền vững../.
Theo Báo điện tử Đảng cộng sản