Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa vùng nông thôn. Cùng với sự phát triển chung, Bình Phước có nhiều chính sách thúc đẩy “sáng tạo xanh” nhằm bảo vệ môi trường. Nhờ đó, nhiều cải tiến, sáng tạo đã đi vào thực tiễn, phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Hệ thống xử lý sinh học nước thải từ các hoạt động chế biến cao- su của Nhà máy chế biến Trung Tâm.
Đòn bẩy cho nghiên cứu, sáng tạo
Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ - du lịch, Bình Phước đã ban hành nhiều kế hoạch về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, tỉnh chú ý đến việc xây dựng các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường KH-CN và hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh và đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, Bình Phước hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực KH-CN; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các sáng chế. Đặc biệt, các sáng chế, giải pháp hữu ích được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện. Riêng các cá nhân là công nhân, nông dân có những sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ thêm kinh phí chỉnh trang, hoàn thiện mô hình sản phẩm. Những sản phẩm sáng tạo KH-CN có tính ứng dụng cao được cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá tại Hội chợ thiết bị và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết: Nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo trong thanh thiếu niên, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tổ chức 11 lần cuộc thi “Sáng tạo thiếu niên nhi đồng” và năm lần tổ chức Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” dành cho mọi tầng lớp nhân dân. Riêng năm 2019, tỉnh tổ chức thêm cuộc thi “Sáng tạo Robocon mini”. Tỉnh cũng quan tâm bố trí kinh phí để khen thưởng kịp thời những sáng chế, sáng tạo KH-CN có tính ứng dụng cao và triển khai rộng rãi trong nhân dân, nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Chỉ trong 5 năm gần đây, Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Bình Phước đã thu hút được 749 sản phẩm, mô hình, giải pháp tham gia, trong đó có bảy sáng tạo đạt giải quốc gia. Một số sáng tạo kỹ thuật đạt giải cao và được ứng dụng vào thực tiễn rất hiệu quả, như: bẫy sinh học diệt ruồi hại hoa quả; phần mềm quản lý lập địa tỉnh Bình Phước; quy trình tái chế rác cao-su, nhựa dầu FO-R bằng công nghệ nhiệt phân liên tục. Cuộc thi “Sáng tạo thiếu niên nhi đồng” cũng thu hút hơn 1.700 mô hình, sản phẩm tham gia, trong đó có 494 giải cấp tỉnh, 26 giải cấp toàn quốc, ba giải bạc tại triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế. Trong đó, em Đậu Bá Kiên ở huyện biên giới Bù Đốp xuất sắc giành Huy chương bạc cấp châu lục với phần mềm “KFMouse - Giải pháp công nghệ giành cho người khuyết tật” và đề tài “Ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bảo vệ máy tính và tìm người thất lạc”, tại Triển lãm sáng tạo KH-CN trẻ châu Á ở Malaysia năm 2013 và 2014.
Nhiều sáng tạo góp phần bảo vệ môi trường
Bình Phước có khoảng 242 nghìn ha cây cao-su, trong đó phần nhiều diện tích thuộc các công ty nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, như: Phú Riêng, Lộc Ninh, Bình Long, Sông Bé, Đồng Phú và Bình Phước. Trong khi đó, trung bình mỗi công ty có một đến hai nhà máy và 12 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế bến mủ cao-su. Do khó khăn trong việc xử lý nước thải từ hoạt động chế biến mủ cao-su thiên nhiên nên các nhà máy này thường gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Công ty TNHH MTV Cao-su Phú Riềng (Công ty Cao-su Phú Riềng) có 14 Nông lâm trường với tổng diện tích khoảng 20 nghìn ha và hai nhà máy chế biến mủ cao-su thiên nhiên. Vấn đề nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất chế biến mủ cao-su tại hai nhà máy là một vấn đề nan giải cần được giải quyết. Nhóm tác giả: Lê Thanh Tú, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Quốc Toàn (Công ty Cao-su Phú Riềng) đã tiên phong nghiên cứu “Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao-su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất” áp dụng tại thành công tại Nhà máy chế biến cao-su Trung Tâm (thuộc Công ty Cao-su Phú Riềng). Sáng kiến đã giúp nhà máy xử lý nước thải đạt thải đạt cột A, QCVN 01-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao-su thiên nhiên và tái sử dụng nước trong sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế cho công ty, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Nhóm giải pháp đạt giải ba về lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường tại Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc” lần thứ 14, năm 2016-2017.
Hồ nước hoàn thiện sau quy trình xử lý sinh học đã nuôi cá phát triển tốt, tại Nhà máy chế biến Trung Tâm của Công ty Cao-su Phú Riềng.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Toàn, một trong những thành viên nghiên cứu, cho biết: nước thải của hoạt động chế biến mủ cao-su thiên nhiên chứa nhiều COD và BOD và có hàm lượng Nitơ tổng cao. Để có thể giải quyết tốt đồng thời cả hai vấn đề trên, qua nghiên cứu tham khảo cùng với kinh nghiệm xử lý nước thải của quá trình chế biến cao-su thiên nhiên, chúng tôi nhận thấy công nghệ xử lý liên tục kết hợp quá trình thiếu khí (Anoxic) và hiếu khí (Oxic) dùng để loại bỏ Nitơ tổng bằng bùn hoạt tính có thể giải quyết được đồng thời vấn đề ô nhiễm COD, BOD và tổng Nitơ.
Đặc điểm của công nghệ này là thêm vào trước vùng hiếu khí của Aerotank một vùng thiếu khí và nước thải sẽ được cấp vào vùng này. Nước thải khi được đưa vào vùng thiếu khí sẽ hòa trộn với bùn hoạt tính được đưa từ vùng phục hồi bùn hoạt tính. Trong điều kiện thiếu khí, các vi sinh vật có trong bùn hoạt tính sẽ thực hiện quá trình khử nitrat để loại bỏ bớt Nitơ tổng trong nước thải. Nước thải sau khi đi qua vùng thiếu khí để loại bỏ bớt Nitơ tổng sẽ được chảy tới vùng hiếu khí để xử lý các chỉ tiêu COD, BOD của nước thải. Nước thải sau khi được xử lý sẽ chảy qua bể lắng để tách bùn vi sinh ra. Bùn vi sinh từ bể lắng sẽ được hoàn lưu trở lại vùng phục hồi bùn hoạt tính của hệ thống.
Đến các nhà máy chế bến mủ cao-su của Công ty Cao-su Phú Riềng, điều chúng tôi cảm nhận được là không khí khá trong lành và nước thải trong sản xuất, chế biến mủ được quay vòng không còn thải ra môi trường. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến trung tâm dẫn chúng tôi xem quy trình xử lý nước thải và tái sử dụng nguồn nước, đến các hồ chứa nước hoàn thiện, chỉ cần vỗ tay nhẹ, cả nghìn còn cá chép đủ loại, đủ màu nổi lên trông rất đẹp mắt. Ông Khoa cho biết: Cá chép rất khó nuôi nhưng tại các hồ chứa nước hoàn thiện nó phát triển rất tốt. Điều này cho thấy, nước sau khi xử lý bằng phương pháp sinh học rất an toàn và chúng tôi tái sử dụng lên đến 60% trong hoạt động sản xuất. Nhờ những cải tiến KH-CN, hằng năm công ty tiết kiệm nhiều tỷ đồng trong sản xuất, đặc biệt cải thiện được môi trường làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường chung quanh và tái sử dụng nguồn nước có hiệu quả. Hiện nay, có tám nhân viên nhà máy chế biến và bộ phận kỹ thuật của công ty theo dõi chặt chẽ hệ thống xử lý nước thải nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho nguồn nước tái sử dụng.
Còn tại Công ty TNHH MTV Cao-su Lộc Ninh, ba chàng trai thế hệ “9x” (Hoàng Văn Cảnh, Nguyễn Duy Long và Phan Thành Đông) đã nghiên cứu xử lý các chất thải từ quá trình chế biến mủ cao-su thành phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường; giúp nhà máy chế biến mủ cao-su tiết kiệm được một khoản chi phí lớn trong xử lý chất thải; đặc biệt cải thiện môi trường sống cho các khu dân cư gần các nhà máy chế bến mủ cao-su. Sản phẩm phân hữu cơ được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP Hồ Chí Minh) kiểm nghiệm và cho kết quả: hàm lượng dinh dưỡng cần thiết cho đất và cây trồng có thể hấp thu để sinh trưởng và phát triển ổn định; không gây ô nhiễm môi trường. Công ty TNHH MTV Cao-su Lộc Ninh bón thử nghiệm cho vườn cây tái canh, cho thấy: 100% vườn cây đạt năm tầng lá trở lên, tỷ lệ sống đạt hơn 98% theo yêu cầu của quy trình kỹ thuật; tốc độ sinh trưởng và phát triển của vườn cây thí nghiệm tương đồng với vườn cây đối chứng; không có hiện tượng gây bệnh hay ngộ độc cây, tán lá phát triển mạnh.
Mất hơn chín năm nghiên cứu, ông Đoàn Quyết Tiến (SN 1967, ngụ phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã chế tạo thành công Lò đốt rác thải thân thiện với môi trường. Chiếc lò có thể đốt tất cả các loại rác có độ ẩm cao mà không cần phân loại rác tại nguồn. Điều đặc biệt, chiếc máy có thể tạo ra nguồn năng lượng điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây là một sáng tạo, phát minh rất phù hợp với điều kiện của Bình Phước khi các khu dân cư bố trí rộng khắp trên toàn tỉnh.
Những chính sách khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo KH-CN của tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Do đó, Bình Phước cần đầu tư mạnh để nhân rộng những sáng tạo, cải tiến KH-CN trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những sáng kiến KH-CN có tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo Báo Nhân dân