“Nếu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp thực hiện tốt giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì sẽ đóng góp rất lớn cho việc tiết kiệm năng lượng quốc gia, giảm cường độ năng lượng để tạo ra một đơn vị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Nói thêm về những giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tương lai, TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng tái tạo cho biết, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam hiện còn rất lớn, trong đó, các ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao là xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp, dịch vụ...
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao trong giai đoạn tới, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu sang nhập siêu về năng lượng sơ cấp và ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu, do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng.
Cũng theo ông Tuấn, việc đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng mới có nhiều tiềm năng phát triển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất... là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xác định đến năm 2030, trong đó đã đề rõ mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị, chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho từng ngành sản xuất công nghiệp, khuyến khích sử dụng các trang thiết bị, phương tiện có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo vệ môi trường, tập trung khai thác các nguồn năng lượng mới, có tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Sản xuất tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà - ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, một trong những cam kết mạnh mẽ của Chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm là truyền thông thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân. Thay vì tìm kiếm nguồn phát năng lượng mới, giải pháp hiệu quả hơn chính là thực hiện tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, Sơn Hà không chỉ triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mà còn áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng
Dẫn chứng từ Tập đoàn Sơn Hà, ông Sơn cho biết doanh nghiệp không chỉ triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng Thái Dương Năng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), Biogas (sản xuất khí đốt từ chất thải gia đình và nông nghiệp)… mà còn áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, đạt được kết quả tiết giảm đến 30% chi phí năng lượng cho sản xuất.
Những sáng kiến được doanh nghiệp chủ động áp dụng như những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, dùng đèn led, bố trí máy móc khoa học, tiến tới lắp đặt điện mặt trời áp mái...
“Chắc chắn các nhà máy của chúng tôi sẽ phủ kín bằng những tấm pin năng lượng mặt trời và chúng tôi hiện đang khẩn trương lắp đặt tại các nhà máy khu vực phía Nam. Sau đó, khi có các chính sách giá mới, Sơn Hà sẽ tiếp tục lắp đặt trên các nhà máy khu vực phía Bắc để tiết kiệm lượng tiêu thụ điện”, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà nói.
Bảo Linh