Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:58 GMT+7

Tin hoạt động

Nam Định: Tích cực hỗ trợ phát triển làng nghề

17/05/2016

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 98 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), Trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản có 11 làng; nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế có 51 làng; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 36 làng. Đã có 51 làng nghề được UBND tỉnh xét công nhận. Các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 44.000 lao động. Năm 2015, giá trị sản xuất tại làng nghề đạt khoảng 4.100 tỷ đồng.

Hiện nay, các làng nghề trong tỉnh chủ yếu vẫn theo mô hình hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã (HTX) CN-TTCN không nhiều, toàn tỉnh chỉ 32 HTX, tập trung chính ở ngành dệt may với 20 đơn vị, HTX cơ khí có 4 đơn vị gồm chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, nước sạch, cói và chế biến nông sản. Đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh kém, sản phẩm làm ra đơn điệu, khả năng xúc tiến thương mại còn yếu, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm một cách bền vững và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề hình thành nhằm tạo đầu mối trung gian giữa doanh nghiệp lớn với các hộ sản xuất cá thể, vì vậy, các khâu đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh hay cải tiến, đổi mới sản xuất để nâng cao hiệu quả, giá trị lao động còn nhiều hạn chế. Nhiều làng nghề đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề khắc phục khó khăn, thời gian qua, Sở Công Thương đã vận dụng, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề, kinh tế tập thể thông qua chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Từ nguồn kinh phí địa phương và trung ương, các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công đã được triển khai, tập trung cho hoạt động hỗ trợ sản xuất sản phẩm mới, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề tại khu vực nông thôn gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp… Cụ thể, trong năm 2015 đã thực hiện 20 chương trình với tổng kinh phí hỗ trợ 4,34 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; chỉ đạo tổ chức tốt các hội chợ trên địa bàn tỉnh, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Năm 2015, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh, sở đã thực hiện 11 chương trình xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ 821,5 triệu đồng bao gồm: tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia 8 hội chợ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Nam Định tại TP. Nam Định với quy mô 320 gian hàng tiêu chuẩn; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hội nghị Xúc tiến liên kết tiêu thụ nông thủy sản và đồ gỗ mỹ nghệ tại TP. Lào Cai.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, Sở Công Thương Nam Định còn phối hợp với các sở công thương, các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức Hội nghị liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm của tỉnh; tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do-cơ hội và thách thức cho cán bộ cơ quan quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.