Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:35 GMT+7

Sản xuất bền vững

Định hướng ưu tiên phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong ngành dệt-nhuộm và giấy-bột giấy

22/11/2018

Nguy cơ ô nhiễm cao 
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế -xã hội, ngành dệt nhuộm và giấy-bột giấy gia tăng nhanh chóng sản lượng sản xuất. Cụ thể, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt nhuộm đạt 107,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 24,3% trong cơ cấu toàn ngành dệt may; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 12,7%. Đối với ngành giấy-bột giấy, nhu cầu các sản phẩm giấy cũng có tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 10% năm. Năng lực sản xuất của ngành năm 2016 tăng 3,2% so với năm 2015. 
Tuy nhiên, sự phát triển của cả hai ngành này kéo theo các hệ lụy về ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu, trong nước thải dệt nhuộm có cả những chất dễ phân giải vi sinh như bột sắn dùng hồ sợi dọc và những chất khó phân giải vi sinh như polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải. Các loại vải càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester càng dùng nhiều thuốc nhuộm và các chất phụ trợ khó phân giải vi sinh, dẫn tới lượng chất gây ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao. Hàng năm, toàn ngành dệt may thải ra môi trường trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải, trong đó, mới có khoảng 45% tổng số lượng nước thải đã quay xử lý (mặc dù mức độ xử lý vẫn chưa triệt để), số còn lại thải thẳng ra cống thoát nước hoặc mương thoát. 
Ngành giấy cũng được xếp vào nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao vì lượng nước thải ra rất lớn. Tùy theo công nghệ và sản phẩm, lượng nước cần thiết để sản xuất 1 tấn giấy thành phẩm dao động từ 80 m3 đến 450 m3. Ở các nhà máy giấy, hầu như tất cả lượng nước đưa vào sử dụng cuối cùng đều trở thành nước thải và mang theo các tạp chất như hóa chất, bột giấy, các chất ô nhiễm dạng hữu cơ và vô cơ. Trong đó dòng thải từ các quá trình nấu bột và tẩy trắng có mức độ ô nhiễm và độc hại cao nhất. Hiện nay, chỉ các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn mới đầu tư công nghệ xử lý nước thải 3 bậc: xử lý hóa lý - xử lý sinh học (hiếu khí và kỵ khí kết hợp với hiếu khí) và xử lý bậc ba với quá trình tạo keo tụ/tạo bông hay quá trình ôxi hóa (ozon hay fenton). Do đó, nước thải của họ đạt quy chuẩn xả thải QCVN12-MT:2015/BTNMT cột A. Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất với công suất nhỏ đều chưa có hoặc có hệ thống xử lý thải chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 
Thực trạng trình độ công nghệ  
Theo báo cáo nhiệm vụ "Nghiên cứu, xác định định hướng ưu tiên phát triển công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong ngành dệt-nhuộm và giấy-bột giấy" của Viện Công nghệ sạch thuộc Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, trình độ công nghệ, thiết bị nhuộm hoàn tại các đơn vị dệt-nhuộm đang ở mức trung bình so với thế giới. Cụ thể, tổng số thiết bị nhuộm hoàn tất dệt vải thoi từ năm 2011-nay là 138 thiết bị, chiếm 32,7%. Số lượng thiết bị nhuộm hoàn tất vải dệt kim và khăn cũng chiếm tỷ trọng thấp, lần lượt là 47,2% và 36,2%. Số lượng thiết bị nhuộm hoàn tất vải dệt thoi, vải dệt kim được nhập khẩu từ châu Âu không nhiều, chỉ chiếm 39,8% và 21,7%. Phần lớn thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác. Trong quy trình xử lý nhuộm hoàn tất, các đơn vị dệt nhuộm sử dụng 70% thiết bị có dung tỷ thất (1:10-1:15), do đó, lượng nước cấp và nước thải của quá trình nhuộm và hoàn tất còn lớn, kéo theo chi phí xử lý nước cấp, hóa chất, thuốc nhuộm, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường cao. 
Trong ngành giấy-bột giấy, đa phần công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp đều ở mức thấp và trung bình khá so với các nước trên thế giới. Thực tế, cả nước chỉ có 2 đơn vị có thiết bị hiện đại, dây chuyền của các nhà máy này có công suất lớn trên 100.000 tấn/năm và chiếm tới trên 54% tổng công suất sản xuất giấy in, viết trong nước. Còn lại, phần lớn doanh nghiệp có thiết bị đạt mức trung bình (công suất dây chuyền từ 10.000-20.000 tấn/năm, chủ yếu là máy xeo dài của Trung Quốc hoặc máy cũ của châu Âu) và thiết bị lạc hậu (công suất dây chuyền dưới 10.000 tấn/năm chủ yếu là máy xeo tròn của Trung Quốc, chất lượng giấy thấp). Việc ứng dụng, áp dụng công nghệ, thiết bị theo hướng sạch, thân thiện với môi trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do hạn chế về nguồn lực. 
Đề xuất định hướng ưu tiên phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường
Trên cơ sở điều tra, khảo sát 22 nhà máy dệt nhuộm và 16 nhà máy sản xuất giấy-bột giấy trên phạm vi cả nước, kết hợp với các tài liệu báo cáo của các công ty, tổng công ty và nghiên cứu xu hướng phát triển công nghệ dệt nhuộm, giấy-bột giấy trên thế giới, Viện Công nghệ sạch đã đề xuất định hướng ưu tiên phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường cho hai ngành này như sau: 
Đối với ngành công nghiệp dệt nhuộm, Viện Công nghệ sạch đề xuất lộ trình cho hai giai đoạn 2020 và 2030. Theo đó: 
- Đến năm 2020: 
+ Tập trung xây dựng và áp dụng tiệu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch vào các cơ sở sản xuất dệt nhuộm, đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường;
+ 100% dự án đầu tư mới thuộc công nghệ dệt nhuộm phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; 50-60% cơ sở sản xuất đang hoạt động phải hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch. 
- Đến năm 2030: 
+ Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch, từng bước thực hiện đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch trong toàn ngành;
+ 100% các cơ sở sản xuất trong toàn ngành phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.
Viện cũng đề xuất các công nghệ cần khuyến khích đầu tư như công nghệ tiền xử lý vải sợi bông sử dụng men vi sinh, công nghệ nhuộm dung tỉ thấp, nhuộm tận trích xenlulo bằng thuốc nhuộm hoạt tính đa chức, nhuộm tận trích xenlulo bằng thuốc nhuộm hoạt tính ít sử dụng muối, nhuộm cuộn ủ nguôi, công nghệ nhuộm vật liệu dệt từ xơ polyeste bằng thuốc nhuộm phân tán và công nghệ xử lý chống nhàu cho vải từ sợi xenlulo bằng hệ thống nhựa,.... 
Đối với ngành giấy-bột giấy, theo Viện Công nghệ sạch, các công nghệ cần được khuyến khích đầu tư là dây chuyền sản xuất bột công suất >= 250.000 tấn/năm, công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng ECF hoặc TCF, công nghệ tái sinh giấy loại kết hợp hóa học và sinh học, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giấy có độ trắng thấp và khối lượng riêng thấp, sử dụng bột giấy tái chế cho sản xuất giấy, ứng dụng chết phẩm sinh học trong các công đoạn sản xuất giấy,... 
Nhận thấy 2 thách thức lớn nhất trong việc áp dụng công nghệ sạch cho cả 2 ngành dệt nhuộm và giấy-bột giấy là tư duy ngại thay đổi cách thức quản lý, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, Viện Công nghệ sạch còn đề xuất một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu đổi mới công nghệ và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch như: 
- Các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ sạch cần được hưởng chính sách ưu đãi như đối với nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao;
- Xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về sử dụng công nghệ sạch và sản xuất sản phẩm sạch;
- Nâng cao năng lực tư vấn, chuyển giao ứng dụng, trình diễn công nghệ sạch, nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm sạch cho các tổ chức tư vấn, nghiên cứu khoa học và công nghệ, các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội,...;
- Hỗ trợ cung cấp dịch vụ, dào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và 
- Hỗ trợ về tài chính và tọa nguồn vốn đầu tư phát triển cho doanh nghiệp; 
Văn phòng SXSH và SXTDBV