Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:47 GMT+7

Tin hoạt động

Tổng kết Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn 2020

21/04/2016

Ngày 4.12.2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 giao cho Bộ Công thương chủ trì thực hiện từ 2010-2015. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ/ngành liên quan tổ chức thực hiện bám sát mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã được phê duyệt trong Đề án; góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản ở các cấp đã được tăng cường; cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến… đã được sửa đổi và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Đề án cũng còn một số hạn chế như: nhu cầu vốn cho đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ rất lớn nên các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại một số cơ sở có điều kiện thuận lợi, có năng lực tài chính; vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa quan tâm thích đáng hoặc chưa có điều kiện để đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ; một số sản phẩm chế tạo trong nước có giá thành còn cao, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ chính chưa cao; tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường vẫn chưa được khắc phục triệt để...

Để đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới, các đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục thực hiện Đề án bằng việc đẩy mạnh các hoạt động đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và chế biến khoáng sản; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.