Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 10:02 GMT+7

Tin hoạt động

Chương trình Khuyến công Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020

13/04/2016

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế...

Ngày 15/3/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khuyến công Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu cụ thể: hỗ trợ đào tạo được khoảng 2.000 – 2.500 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ khoảng 650 - 750 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý; tổ chức và hỗ trợ 5 đoàn các cơ sở công nghiệp nông thôn khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước; đào tạo 150 – 200 học viên là thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để trở thành giáo viên dạy nghề và truyền nghề;  hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc công nghiệp và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 140 - 150 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng 10 mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 40 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và 05 lượt tham dự hội chợ nước ngoài.

Đối tượng được thụ hưởng là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.

Quyết định cũng đưa ra những giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo Chương trình khuyến công tỉnh đến năm 2020 được thực hiện đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao như: hoàn thiện cơ chế chính sách; tổ chức bộ máy;  tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, các nhân nhằm thúc đẩy hoạt động khuyến công; nâng cao năng lực hoạt động Khuyến công của Trung tâm Khuyến công, Phòng công thương, Phòng kinh tế hạ tầng các huyện thị thành; khuyến khích hỗ trợ xây dựng mạng lưới nòng cốt tại các địa bàn phát triển CNNT trọng điểm; Xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm;  bố trí đủ kinh phí từ ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện các nội dung theo chương trình khuyến công được phê duyệt.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình này, UBND tỉnh giao Sở Công thương là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách phù hợp, kiến nghị những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai có hiệu quả Chương trình;  UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương hàng năm, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc tạo đạo điều kiện công nghiệp nông thôn phát triển…

Tổng kinh phí thực hiện chương trình từ ngân sách tỉnh là: 34.635 triệu đồng.