Số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Khuyến công tỉnh cho thấy, giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015, tổng kinh phí hỗ trợ các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh là 23 tỷ đồng. Để sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở TTCN như: Mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở TTCN; đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Các ngành, nghề được đào tạo chủ yếu là: Chế biến nông, lâm sản, dược liệu; sản xuất mây tre đan, dệt may, thêu thổ cẩm và cơ khí nhỏ; tổ chức các mô hình trình diễn; hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc, tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ...
Nhờ đó, năng lực của nhiều cơ sở sản xuất TTCN được nâng lên, đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển rừng Lào Cai, xã Xuân Giao (Bảo Thắng), với sản phẩm chính là ván gỗ ghép thanh. Trước đây, doanh nghiệp luôn gặp khó khăn do không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, doanh thu năm 2011 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay, sản phẩm của công ty đã có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước, doanh thu năm 2015 ước đạt 6 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: “Năm 2012, Công ty được Trung tâm Khuyến công tổ chức thực hiện mô hình trình diễn gỗ ghép thanh và hỗ trợ kinh phí 250 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc. Hoạt động khuyến công còn hỗ trợ đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại, mong rằng thời gian tới, công ty nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ ý nghĩa như thế”.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 7.266 cơ sở sản xuất TTCN với giá trị hàng hoá năm 2015 ước đạt 436 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực TTCN trong 10 năm qua đạt 11,3%/năm, lĩnh vực sản xuất này đang tạo việc làm cho 14.400 lao động với thu nhập khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguồn kinh phí 23 tỷ đồng dành cho hoạt động khuyến công trong 10 năm chưa tương xứng so với yêu cầu thực tế. Ông Ngô Xuân Mạnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, công tác khuyến công đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn tình trạng một số dự án, đề án thực hiện chậm tiến độ do thiếu vốn. Trong khi đó, một số cơ sở sản xuất TTCN chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động khuyến công, trình độ nghiệp vụ của một số cán bộ khuyến công cơ sở còn yếu và thiếu.
Theo dự toán của Trung tâm Khuyến công tỉnh, tổng kinh phí thực hiện các chương trình khuyến công trên địa bàn toàn tỉnh trong 5 năm tới khoảng 30 tỷ đồng. Nội dung hoạt động cơ bản của Trung tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN phát triển ngành nghề, sản phẩm có thế mạnh, khôi phục ngành nghề truyền thống, ưu tiên sử dụng công nghệ và bảo vệ môi trường. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú ý, nhất là đào tạo thợ lành nghề, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Cùng với đó là đẩy mạnh tập huấn, trang bị cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp về kỹ năng cạnh tranh, xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm để đạt mục tiêu trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất TTCN đạt 15%/năm; giá trị sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 600 tỷ đồng.