Thực trạng xuất sạch hơn trong ngành dệt may
Trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam là ngành có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, ngành dệt may cũng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Những khâu sản xuất gây ô nhiễm nhiều nhất trong lĩnh vực dệt may là khâu dệt - nhuộm - xử lý vải.
Theo khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex), khoảng 50% thiết bị ngành công nghiệp dệt nhuộm của nước ta đã sử dụng trên 20 năm. Nếu so với Thái Lan và Trung Quốc thì các công nghệ này lạc hậu tới khoảng 15 - 20 năm. Các thiết bị sản xuất với mức tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu cao, chi phí năng lượng ở Thái Lan chỉ chiếm 6 - 7% trong giá thành sản phẩm dệt, trong khi đó tại Việt Nam phổ biến ở mức 10 - 12%.
Thực tế cho thấy, hầu như tất cả các doanh nghiệp dệt ở Việt Nam đều có tiềm năng giảm lượng tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và năng lượng (xăng dầu, than, điện năng)... Trong các xí nghiệp nhuộm, tùy theo công nghệ và thiết bị sản xuất, tính ra trung bình cứ mỗi tấn sản phẩm có tiềm năng tiết kiệm khoảng 0,2 - 0,5kg thuốc nhuộm; 100 - 200kg hóa chất và chất phụ trợ; 50 - 100m3 nước; giảm lượng tiêu thụ khoảng 150kg dầu và khoảng 50 - 150 KWh điện.
Để đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường, việc áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, đồng thời, giảm chi phí đầu vào và chi phí xử lý môi trường, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp dệt may chưa cao. Ngoài công nghệ, thiết bị lạc hậu, một nguyên nhân khác là do doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của sản xuất sạch hơn, thiếu chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn để hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp,....
Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm của Công ty TNHH Chyang Sheng Việt Nam (thị xã Thuận An - Bình Dương)
Giải pháp đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong ngành dệt may
Theo TS. Phùng Thị Quỳnh Trang - Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, để trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, ngành dệt may cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn như tăng cường triển khai thực hiện hỗ trợ tư vấn về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp thông qua các Trung tâm Khuyến công.
Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dệt may sử dụng các công nghệ, quy trình sản xuất sạch, từng bước thực hiện nghiệm các giải pháp quản lý môi trường. Đối với các công ty, đơn vị sản xuất, đặc biệt là các đơn vị tư nhân, liên doanh, hoặc 100% vốn nước ngoài thuộc lĩnh vực nhuộm, cần áp dụng các chế tài quản lý định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu dệt nhuộm, kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, nhất là các chất trơ và thuốc nhuộm.
Bên cạnh đó, ngành dệt may phải xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành và các quy định pháp luật về môi trường; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt may có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường để di dời các cơ sở dệt may có nguy cơ gây ô nhiễm. Đồng thời, cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động tốt cho người lao động theo Tiêu chuẩn SA 8000.
Đặc biệt, ngành dệt may cần xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ về môi trường… nhằm đáp ứng các yêu cầu môi trường và rào cản kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, khi Việt Nam gia nhập TPP, “giấy thông hành” đối với các doanh nghiệp dệt may không chỉ là tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mà còn bao gồm cả các tiêu chuẩn về môi trường; trong đó, phổ biến nhất là tiêu chuẩn sản xuất xanh, xử lý nước thải, giải pháp tái chế phụ phẩm phát sinh trong sản xuất... Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp dệt may tạo môi trường lao động tốt cho nhân viên.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp