Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:37 GMT+7

Tin hoạt động

Quảng Ninh: Thêm nguồn lực đầu tư cho khuyến công

21/03/2016

Nguồn vốn lớn

Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2016-2020 có tổng kinh phí thực hiện khoảng 306,560 tỷ đồng, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm…

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ đó, Quảng Ninh sẽ triển khai 9 nội dung của chương trình khuyến công như: Đào tạo nghề, truyền nghề; nâng cao năng lực quản lý, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất; tư vấn giúp các cơ sở CNNT trong việc lập dự án đầu tư, quản lý sản xuất; hợp tác liên doanh, liên kết trong phát triển cụm công nghiệp…

Cụ thể, đến năm 2020, Khuyến công Quảng Ninh dự kiến đào tạo 920 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 135 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp; xây dựng 21 mô hình trình diễn kỹ thuật; 97 cơ sở ứng dụng thiết bị máy móc và 2 cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất.

Với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, Quảng Ninh ưu tiên hỗ trợ cho ngành chế biến nông- lâm-thủy sản, chế biến thực phẩm; công nghiệp tiêu dùng; hóa chất; chế biến nguyên liệu, đặc biệt là quy mô nhỏ tại các vùng nguyên liệu phân tán để cung cấp cho các cơ sở chế biến, tiểu thủ công nghiệp…

Quảng Ninh cũng dành một phần kinh phí thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn phát triển CNNT của các dịch vụ công, tạo nền tảng cho hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; tăng cường số lượng cơ sở CNNT nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn; xây dựng quy trình quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công…

Giải pháp sát “sườn”


Để chương trình khuyến công đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng thêm hỗ trợ nâng cấp hạ tầng nông thôn, giảm bớt các thủ tục hành chính. Ngoài các ưu đãi theo quy định của Chính phủ, các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn còn được hưởng một số chế độ riêng theo cơ chế ưu đãi đầu tư, như: Ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp với mục tiêu sản xuất, thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề.

Quảng Ninh cũng tổ chức nâng cao năng lực cán bộ, từng bước bố trí cán bộ làm cộng tác viên khuyến công ở các xã, phường, thị trấn.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường đẩy mạnh chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở thực hiện quy định của nhà nước về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đối với các cơ sở mới thành lập phải thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải. Với các cơ sở đang hoạt động, phải kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư mới hoặc di dời vào các khu, cụm công nghiệp cũng sẽ được hưởng nhiều từ chính sách ưu đãi của tỉnh.

Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 có tổng kinh phí thực hiện khoảng 306,560 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 5 tỷ đồng, khuyến công địa phương 10 tỷ đồng, 291,560 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của các cơ sở CNNT.