Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:22 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn: Hướng đi bền vững cho ngành chế biến dừa

25/04/2011

Khắc phục ô nhiễm

Vùng nguyên liệu dừa và các nhà máy chế biến dừa thủ công hay chuyên nghiệp ở Việt  Nam trải dài suốt nhiều tỉnh miền Nam và vùng đồng bằng  Sông Cửu Long. Các doanh nghiệp chế biến dừa đều nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải di dời ra khỏi khu dân cư.

Tuy nhiên, ngay cả việc di dời cũng chưa thể giải quyết một cách triệt để vấn đề ô nhiễm nếu các doanh nghiệp không có các giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm và cải tiến công nghệ sản xuất đi kèm. Việc di dời nhiều khi đã xảy ra tình trạng di chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.

Đứng trước tình trạng này, Chương trình SXSH trong công nghiệp của Bộ Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến dừa tiếp cận SXSH; lồng ghép SXSH vào quá trình di dời và xây dựng cơ sở mới của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phúc Lễ-chủ doanh nghiệp chế biến dừa Lâm Đồng (tỉnh Bến Tre) cho biết: "Chúng tôi đã thực sự bất ngờ với hiệu quả từ SXSH đem lại".


Nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn, các DN chế biến dừa đã giảm thiểu được ô nhiễm

"Các giải pháp từ SXSH đều không quá tốn kém chi phí - điều mà không doanh nghiệp nào ở Bến Tre được biết, nhưng đem lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp" -ông Phúc nói. doanh nghiệp của ông Phúc đã lập một đội SXSH, thực hiện 10 giải pháp với tổng giá trị đầu tư là 63 triệu đồng. Hàng năm, nhờ SXSH lợi ích mà doanh nghiệp thu được là trên 23 triệu đồng/năm.

Chúng tôi đã tiết kiệm được 12% nước định mức trên 1 tấn sản phẩm; tiết kiệm điện từ 24 giờ/mẻ xuống 12 giờ/mẻ; tiết kiệm số ngày công lao động, thời gian vận chuyển nguyên vật liệu, vệ sinh thiết bị sản xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã chủ động thực hiện các giải pháp đầu tư lớn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm. Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng lò nấu mới, xây dựng hệ thống nước thải tập trung..., hiệu quả đem lại lên tới 800 triệu đồng/năm nhờ vào giảm 28% nhiên liệu đốt, 18,89% tiêu thụ điện, giảm được khí CO2 ra khỏi môi trường...

Duy trì đội sản xuất sạch hơn

  SXSH đã không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, mà còn giúp DN phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín, thương hiệu.
Mặc dù hiệu quả đem lại lớn, song không phải doanh nghiệp nào ở Bến Tre cũng nhận thức được. Nhiều doanh nghiệp ở Bến Tre vô tình vẫn tiếp tục sử dụng nước lãng phí vì chưa có cơ hội tiếp cận với SXSH. Nguyên liệu dừa lẫn trong nước rửa; nước rửa khay, bình để chảy tràn gây thất thoát làm tăng lượng nước thải ô nhiễm.

Các cán bộ của chương trình SXSH đã phải khuyến cáo các doanh nghiệp tái sử dụng nước thải tách khối vào quá trình sản xuất ở mẻ tiếp theo, giảm được 50% lượng nguyên liệu nước dừa... Việc tuyên truyền đã phải diễn ra liên tục, áp dụng cả mô hình doanh nghiệp nào thành công thì phổ biến cho các doanh nghiệp khác thực hiện theo.

Đến nay, nhận thấy lợi ích từ hoạt động SXSH, nhiều chủ doanh nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã quyết định duy trì hoạt động của đội SXSH và lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung của doanh nghiệp.

Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này, một hệ thống quản lý môi trường đơn giản đã được thiết lập. Tương lai gần, doanh nghiệp sẽ mở rộng hệ thống này thành một hệ thống quản lý hoàn chỉnh theo chứng nhận ISO.

Cái lợi cho doanh nghiệp khi áp dụng SXSH là tích hợp được hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó, việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu được giám sát với các chỉ tiêu ô nhiễm trong các dòng thải.

Mai Nguyễn