Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:04 GMT+7

Tin hoạt động

Cơ sở sản xuất giấy La Tất Thắng: Vượt khó nhờ khuyến công

11/03/2016

Theo bà Ứng Thu Huyền - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cơ sở sản xuất giấy La Tất Thắng là một trong những cơ sở vượt khó điển hình từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công. Năm 2014, từ nguồn quỹ khuyến công, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở triển khai Đề án “Ứng dụng máy gia công sản xuất khăn giấy hộp 2 làn JN-VMJ-2L trong sản xuất giấy hộp, khăn giấy”. Hệ thống thiết bị có tổng kinh phí đầu tư 300 triệu đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau khi đầu tư thiết bị mới, năng suất của cơ sở đã tăng gấp 3 lần, hiện bình quân mỗi tháng, cơ sở đưa ra thị trường vài tấn sản phẩm các loại. Do sản xuất tại chỗ, nguồn cung ứng nguyên liệu ngay trên địa bàn tỉnh nên sản phẩm có giá thành hợp lý, sức cạnh tranh trên thị trường khá tốt. Ngoài thị trường Tuyên Quang, sản phẩm của cơ sở hiện được tiêu thụ tại tỉnh Yên Bái, Hà Giang.

Ông La Tất Thắng - Chủ cơ sở sản xuất - cho biết: Giấy không phải là sản phẩm ban đầu khi mới thành lập mà cơ sở rất có tiếng trong sản xuất mũ cối và có thâm niên mấy chục năm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy ra đời và đưa vào thực thi, sản lượng tiêu thụ mũ cối giảm nhanh chóng, cơ sở buộc phải chuyển hướng sản xuất.“Sản xuất mũ cối có liên quan một chút tới ngành giấy khi dùng giấy tái sinh làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, cơ sở nắm bắt được thông tin về thị trường, nguồn nguyên liệu, đó cũng là lý do chọn sản phẩm giấy khi chuyển hướng sản xuất.”- ông La Tất Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, sản xuất giấy đòi hỏi vốn đầu tư thiết bị, máy móc lớn, thậm chí có thiết bị giá trị tới hàng tỷ đồng. Thực tế, cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn khi đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm này. “Được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, chúng tôi đã có thêm vốn dần vượt qua khó khăn. Hiện nay, sau 6 năm chuyển hướng sản xuất sản phẩm của cơ sở đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng”- ông Thắng nói.

Sự trưởng thành của cơ sở sản xuất giấy La Tất Thắng qua mỗi thời kỳ đều có dấu ấn của chương trình khuyến công. Năm 2006, nhu cầu của thị trường về sản phẩm mũ cối rất lớn, sản xuất được mở rộng tối đa nhưng do thiếu mặt bằng cơ sở không thể tăng sản lượng; 40-50 công nhân chen chúc trong vài trăm m2, hoạt động rất khó khăn. Trước hiện trạng đó, trung tâm đã cam kết với chính quyền địa phương, bảo lãnh thuê thêm mặt bằng sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, bổ sung lao động tay nghề cao cho cơ sở. Được biết, để theo kịp xu hướng phát triển của thị trường, cơ sở sản xuất giấy La Tất Thắng sẽ đầu tư thêm hệ thống tự động trong sản xuất giấy vệ sinh. “Hệ thống này đòi hỏi vốn đầu tư hàng tỷ đồng, hy vọng chương trình khuyến công tiếp tục hỗ trợ cho chúng tôi”- ông Thắng mong muốn.

Ông La Tất Thắng - Chủ cơ sở sản xuất giấy: Cơ sở đã lập hồ sơ đăng ký thương hiệu giấy Tất Thắng trình Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tuyên Quang thẩm định, phê duyệt. Cơ sở sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh như đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm, nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa sản phẩm ra thị trường.