Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:48 GMT+7

Sản xuất bền vững

Thách thức trong chuyển giao công nghệ vào Việt Nam

15/08/2018

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2010-2017, có 115 hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng. Hiệu ứng các ngành nghề mới, công nghệ mới của các doanh nghiệp FDI đã giúp nhiều ngành kinh tế của Việt Nam có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của nước ta.
Ảnh minh họa
Mặc dù trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so năm 1990; tuy vậy, trong ASEAN-5 Việt Nam chỉ đứng trên Philipines.
 
Theo kết quả điều tra hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Nguyên nhân xuất phát từ loại hình hoạt động, gần như doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp nội như kỳ vọng và cam kết.
 
Về vấn đề chất lượng công nghệ, mặc dù các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phần lớn có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở trong nước, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, có khoảng 80% dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu và chỉ 5-6% sử dụng công nghệ cao. 
 
Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách với mục tiêu ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, kém chất lượng, tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam thông qua các dự án đầu tư. Việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dần được siết chặt. Thông tư số 23/2015/TT-BKH&CN đưa ra quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường. 
 
Tuy vậy, công tác kiểm soát nhập khẩu máy móc, thiết bị vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trước đây, việc thẩm định về công nghệ tương ứng với giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư chưa được quy định rõ. Đặc biệt, là chưa có cơ chế quản lý nhập khẩu công nghệ ngoài Danh sách hạn chế nhập khẩu.
 
Để tăng cường công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã dành một Chương quy định về công tác này, trong đó bổ sung các quy định, như: Mở rộng đối tượng dự án đầu tư cần phải thẩm định/có ý kiến về công nghệ trong từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; Biện pháp quản lý đối với trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ đã được thẩm định; Hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện; Nội dung giải trình về công nghệ và nội dung thẩm định về công nghệ tương ứng với từng giai đoạn quyết định chủ trương và giai đoạn quyết định đầu tư dự án; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ.
 
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan để có hành lang pháp lý đồng bộ về công tác thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.


Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp