Chiều 5/8, Công ty Cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu đã đưa công nghệ nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng vào sử dụng cho việc phá dỡ bốn tòa nhà tại địa chỉ số 138 phố Giảng Võ, Hà Nội. Đây là công nghệ được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Thay vì vận chuyển những khối bê tông cũ ra các bãi tập kết phế liệu xây dựng, hệ thống này được lắp đặt ngay tại chân công trình. Các khối bê tông có kích cỡ tới 60x80cm, được chuyển sang hệ thống nghiền và tự động phân loại riêng các loại vật liệu từ sắt đến hạt cỡ 3x4cm và cát mịn.
Ông Đỗ Xuân Hùng, cán bộ kỹ thuật của hãng Rubber Master (Đức) tại Việt Nam cho biết, công nghệ cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi.
Cát mịn nghiền từ các khối bê tông cũ.
Thiết bị có công suất từ 120 tới 250 tấn/giờ, có thể hoạt động được ở các khu vực đông dân và phù hợp với nhiều loại công trình cần phá dỡ. Hệ thống có lưới sàng nên có thể điều chỉnh kích cỡ tùy theo nhu cầu sử dụng. Máy nghiền có thể đáp ứng tất cả nhu cầu xử lý các loại nguyên liệu khoáng sản như đá hộc, bê tông, nhựa đường, thủy tinh...
Công nghệ đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường theo tiêu chuẩn EU6 (Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn EU4). Việc đưa công nghệ này vào ứng dụng tại Việt Nam sẽ giải được ba bài toán cùng một lúc đó là: tận dụng được nguyên liệu cát tái chế trong bối cảnh tài nguyên cát đang cạn kiệt; quá tải tại các bãi tập kết chất thải xây dựng; ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.
Theo Thông tư số 08/2017/TT-BXD quy định, chất thải rắn trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình phải được phân loại ngay tại nơi phát sinh. Cụ thể phân loại thành chất thải rắn có khả năng tái chế được; chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp.
Hiện nay, lượng chất thải rắn xây dựng chiếm khoảng 20 đến 25% chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng chưa thực sự hiệu quả, tình trạng đổ trộm phế thải từ xây dựng diễn ra phổ biến.
Theo VnExpress