Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:10 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bộ Công Thương: Thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ

18/07/2018

Trước hiện trạng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa coi trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của các DN.

"Vùng trũng" trong năng lực cạnh tranh
 
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), ngoài một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn DN nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số DN), nhưng nhóm DN có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% (chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài). Đặc biệt, ngành dệt may, da giày, khai khoáng vẫn dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại rất thấp. 
 
Công nghệ và sáng tạo vẫn là "vùng trũng nhất" (có xếp hạng thấp nhất), kéo dài nhiều năm trong sơ đồ cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Theo Báo cáo thường niên về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam được xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Tuy nhiên, nhóm yếu tố được coi là điểm yếu lâu dài của Việt Nam, với điểm số, thứ hạng thấp và không cải thiện nhiều trong mấy năm qua là năng lực đổi mới sáng tạo của DN (xếp hạng 79), chất lượng nghiên cứu khoa học (xếp hạng 90), mức độ sẵn có của chuyên gia và kỹ sư (xếp hạng 78), số lượng và chất lượng nhà cung ứng địa phương (xếp hạng 105 và 116), độ rộng của chuỗi giá trị (xếp hạng 106)… 
 
Điều này cho thấy, việc đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa gắn với lợi ích thiết thực của các DN cũng như chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh của các DN trong việc phát huy vai trò của KH&CN. Nguyên nhân chính của tình trạng này do phần lớn DN Việt Nam là vừa và nhỏ, việc huy động nguồn lực đủ lớn về tài chính và nhân lực cho hoạt động đổi mới công nghệ còn rất khó khăn. Vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực DN để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và sáng tạo. Đây được coi là một nội dung quan trọng của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
 
Lấy DN làm trọng tâm hỗ trợ
 
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đổi mới KH&CN, góp phần tích cực hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, đồng thời tận dụng được những cơ hội phát triển mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các dự thảo luật liên quan để thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy năng lực chế tạo và hấp thụ công nghệ của các DN, đặc biệt là DN sản xuất công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. 
 
Bên cạnh đó, cải thiện hạ tầng KH&CN và môi trường kinh doanh để thúc đẩy các DN FDI đầu tư chuyển giao công nghệ và triển khai hoạt động thiết kế, chế tạo tại Việt Nam thay vì tăng cường gia công, lắp ráp sử dụng lao động giá rẻ; lựa chọn và xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao trong công nghiệp từ các nước phát triển và đang phát triển. Lựa chọn, tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên. 
 
Đồng thời, tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm hình thành và phát triển các DN KH&CN, các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp. Tích cực huy động nguồn vốn đầu tư; đầu tư theo chiều sâu; sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của các tập đoàn, tổng công ty để đầu tư cho hoạt động KH&CN. 
Theo Báo Công Thương