Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực tài nguyên ngày càng gia tăng, việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm hữu ích đang trở thành một xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Không chỉ giúp giảm thiểu lượng chất thải, những sáng kiến này còn mở ra hướng đi mới trong nông nghiệp tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 160 triệu tấn phế phụ phẩm từ cây trồng, vật nuôi và chế biến nông sản. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30-40% trong số này được sử dụng cho các mục đích như làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh khối…, phần còn lại bị thải bỏ hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường.
Phần lớn rơm rạ sau thu hoạch đều bị đốt gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: mt&cs)
Trong khi đó, nếu biết tận dụng hiệu quả, các phế phẩm như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, lõi ngô, xơ dừa, bã cà phê hay vỏ hạt điều có thể trở thành nguồn nguyên liệu quý để sản xuất nhiều sản phẩm thân thiện môi trường.
Việc tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp không chỉ góp phần giảm ô nhiễm, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp và ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả, nguồn nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này hoàn toàn có thể trở thành “vàng nâu” đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân và doanh nghiệp.
Nhiều sáng kiến ấn tượng
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong triển khai những sáng kiến sáng tạo nhằm tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp vào các lĩnh vực như bao bì sinh học, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ hay thời trang bền vững. Những mô hình này không chỉ thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo mà còn góp phần lan tỏa lối sống xanh, sản xuất xanh trong cộng đồng.
Tại TP.HCM, startup Equo đã tạo nên bước đột phá trong việc thay thế nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Công ty sản xuất ống hút và dao thìa dĩa từ các loại phế phụ phẩm như bã mía, bã cà phê, bột gạo và cỏ bàng. Nhờ thiết kế đẹp mắt, có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và đạt các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm của Equo đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu. Đây là một trong những doanh nghiệp trẻ tiêu biểu được Forbes Asia vinh danh trong danh sách “30 Under 30” năm 2021.
Các sản phẩm ống hút thân thiện môi trường của EQUO (Ảnh: tuoitrethudo)
Tại Huế, nhóm học sinh lớp 12 trường THPT Phú Bài, xã Hương Thuỷ đã đoạt giải Nhất khối học sinh phổ thông tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V với dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu”. Dự án nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nền du lịch xanh, bảo vệ môi trường và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện này là sản phẩm xanh. Sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, nhẹ, không cần trải qua quá trình nung gốm, góp phần bảo vệ môi trường. Quy trình sản xuất đơn giản, tận dụng tối đa tiềm năng của phế phẩm thải, linh hoạt trong sử dụng các chất kết dính nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.
Sản phẩm các chậu cây làm từ vỏ hàu và vỏ trấu để trồng các loại hoa, cây cảnh,...(Ảnh: gdtđ)
Tại xứ dừa Bến Tre, trước đây, xơ dừa thường bị thải bỏ hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong khai thác xơ dừa để làm ra hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ như thảm trải, chổi, chậu cây và đồ nội thất, gỗ ép... trở thành nguyên liệu có giá trị xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một số sản phẩm gỗ ép được tái chế từ xơ dừa (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)
Tại Biên Hoà, Công ty TNHH VinaCafe Biên Hòa là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tái sử dụng bã cà phê để sản xuất phân bón hữu cơ. Thông qua chương trình "Cà phê xanh", công ty đã thu gom bã cà phê từ các chuỗi quán và nhà máy chế biến, sau đó phối trộn và lên men để tạo ra phân hữu cơ sử dụng trong nông nghiệp. Mô hình này đang được áp dụng thử nghiệm tại các trang trại trồng rau và hoa ở Lâm Đồng, giúp giảm chi phí phân bón hóa học và góp phần vào nền nông nghiệp sạch.
Tại Đồng Tháp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai mô hình cơ giới hóa thu gom rơm rạ ở huyện Lai Vung. Rơm rạ được thu gom sau thu hoạch, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý thành phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm, thức ăn chăn nuôi. Mô hình này giúp tăng độ phì nhiêu của đất, tạo thêm thu nhập cho nông dân và giảm thiểu ô nhiễm do đốt rơm (70% rơm rạ ở ĐBSCL bị đốt hoặc vùi tại đồng ruộng).
Tiềm năng mở rộng
Rõ ràng, việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường bước đầu đã cho thấy lợi ích không chỉ về kinh tế, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực ô nhiễm, thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện thực hóa tiềm năng này không phải là điều dễ dàng, khi hàng loạt rào cản về công nghệ, tài chính, chính sách và thị trường vẫn đang cản bước nhiều doanh nghiệp và nông hộ.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là công nghệ xử lý phế phẩm còn hạn chế, đặc biệt với những quy trình đòi hỏi kỹ thuật cao như chiết tách sợi sinh học, sản xuất vật liệu phân hủy sinh học hay xử lý vi sinh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã thiếu khả năng tiếp cận thiết bị hiện đại và gặp khó khăn trong việc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Họ cũng đối mặt với bài toán chi phí đầu tư lớn nhưng thị trường tiêu thụ lại chưa ổn định, đặc biệt là khi sản phẩm tái chế vẫn còn mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng trong nước.
Quy trình sản xuất vải dứa của Bảo Lân Textile và Ecofa Việt Nam (tphcm.chinhphu.vn)
Bên cạnh đó, nhận thức cộng đồng về giá trị của phế phụ phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Ở nhiều địa phương, nông dân vẫn có thói quen đốt rơm rạ, vỏ cà phê hay vỏ điều sau thu hoạch, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa góp phần gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Việc thu gom, phân loại và vận chuyển các phụ phẩm cũng chưa có hệ thống tổ chức rõ ràng, dẫn đến nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy tái chế không ổn định, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Do đó, trong những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Nền tảng pháp lý về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp bền vững đã được cụ thể hóa qua các văn bản như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng đã triển khai các mô hình thí điểm tái sử dụng rác thải nông nghiệp thành phân compost, nhiên liệu sinh học hoặc nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Song song với chính sách, xu hướng tiêu dùng xanh trên thị trường nội địa và quốc tế đang tạo ra những cú hích đáng kể. Các chuỗi siêu thị, nhà hàng và doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc sinh học, bao bì tái chế, và vật liệu phân hủy tự nhiên. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp, nếu được tiếp sức bởi hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh về tài chính, khoa học công nghệ và kết nối thị trường.
Để tận dụng trọn vẹn tiềm năng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thu gom, xử lý đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi đó, phế phụ phẩm nông nghiệp sẽ không còn là gánh nặng môi trường mà trở thành tài nguyên thực sự trong hành trình phát triển xanh và bền vững của Việt Nam.
Thành Vinh