Trong khuôn khổ các hoạt động Sàn giao dịch Công nghệ năm 2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Ứng dụng VECA thu gom và phân loại rác thải tại nguồn" nhằm giới thiệu một giải pháp công nghệ giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện phân loại rác tại nguồn, đồng thời cải thiện việc thu gom và tái chế rác thải, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại Hội thảo, Ông Bùi Thế Bảo, CEO và đồng sáng lập của VECA cho biết, hiện nay, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại TP.HCM chưa đồng bộ với các quy định phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác, VECA đã ra đời như một ứng dụng kết nối người bán phế liệu với người thu gom, hoạt động tương tự mô hình gọi xe công nghệ.
"Mục tiêu của ứng dụng là số hóa thị trường kinh doanh phế liệu và tối ưu hóa quy trình thu gom, tái chế rác thải. Do đó, khi sử dụng ứng dụng VECA người bán phế liệu có thể đăng tải thông tin trên ứng dụng để gọi người thu gom đến tận nơi mua phế liệu. Giá các loại phế liệu được cập nhật công khai và điều chỉnh theo khu vực và giá thu mua của các vựa phế liệu, giúp người dân chủ động hơn trong việc bán phế liệu và nắm được giá cả minh bạch." ông Bùi Thế Bảo cho biết thêm.
Ông Bùi Thế Bảo (đồng sáng lập, CEO Công ty TNHH VECA) chia sẻ tại Hội thảo (Ảnh: Cesti)
Được biết, thị trường phế liệu hiện nay có tổng giá trị ước tính lên đến hơn 10 tỷ USD, với hơn 3 triệu người thu mua phế liệu đang hoạt động, nhưng chỉ 25% lượng rác thải nhựa được tái chế qua các nhà máy tái chế chính quy. Điều này chỉ ra tiềm năng lớn trong ngành tái chế nếu như việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải được thực hiện đúng cách. Ngoài ra, hiện tại một phần lớn rác thải bị đưa đến các làng nghề tái chế, nhưng nhiều loại rác không thể tái chế hoặc xử lý sẽ bị vứt ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Khác với các mô hình truyền thống của việc thu mua phế liệu chủ yếu dựa vào "đội quân" ve chai, những người thu gom phế liệu nhỏ lẻ và tự phát, VECA giúp kết nối họ với các doanh nghiệp tái chế chính quy, tạo ra một kênh thu gom phế liệu hiệu quả và minh bạch hơn. Ứng dụng không chỉ giúp người dân bán phế liệu dễ dàng và nhanh chóng mà còn giúp người thu gom tiết kiệm thời gian và công sức.
Mô hình của VECA nhắm đến việc gia tăng giá trị chuỗi cung ứng phế liệu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tái chế bằng cách cung cấp giải pháp thu gom bao bì theo đúng yêu cầu của chính sách quản lý chất thải nhựa EPR ((Extended Producer Responsibility) ). Ứng dụng này không chỉ hỗ trợ việc thu gom phế liệu mà còn giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề cung ứng nguyên liệu đầu vào ổn định và chất lượng cho các nhà máy tái chế.
Mô hình hoạt động của VECA (Ảnh: VECA)
Để đáp ứng nhu cầu quản lý, VECA đã ra mắt ứng dụng dành cho chủ vựa phế liệu, giúp họ ghi lại và quản lý giao dịch hàng ngày thông qua điện thoại, thay thế phương thức ghi chép truyền thống bằng giấy. Điều này giúp các vựa phế liệu nâng cao năng lực và mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện tại, VECA đã hoạt động tại 19 quận nội thành TP.HCM và kết nối nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tiêu dùng tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tại hội thảo, VECA đã kêu gọi hợp tác với các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong ngành thu gom và tái chế rác thải, đồng thời thúc đẩy thực hành phân loại rác tại nguồn và hỗ trợ chuỗi cung ứng. Mục tiêu của VECA trong năm 2025 là hỗ trợ chuyển đổi trên 100 vựa phế liệu và 2.000 người thu gom, từ đó giúp họ tăng công suất thu mua, cải thiện doanh thu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ứng dụng VECA hiện đã có mặt trên AppStore và Google Play, với giao diện thân thiện và dễ sử dụng, phục vụ cho người dùng ở mọi độ tuổi. Một điểm đặc biệt của VECA là việc kết nối trực tiếp với các trạm xử lý và nhà máy tái chế, giúp thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, thu gom và tái chế, góp phần vào việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn. |
Tuệ Lâm