Ngày 21/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Công nghiệp Yên Bái: Đổi mới, đột phá, hiện đại

00:00 - 21/02/2018
Đề án cơ cấu xác định, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (giá so sánh 2010) đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,6%/năm trở lên với cơ cấu: công nghiệp khai khoáng 9%, công nghiệp chế biến - chế tạo 72%, sản xuất, phân phối điện, nước 17%... 
 
Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 25.000 tỷ đồng; cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện, nước và xử lý nước thải, rác thải. Mục tiêu chung của cơ cấu lại ngành công nghiệp là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm; nâng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao từ 20% hiện tại lên 30% vào năm 2020 và 45% vào năm 2025. 
 
Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái xác định công nghiệp là khâu đột phá, cơ cấu lại một số ngành đảm bảo công suất chế biến phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu, thu hút các dự án đầu tư mới với công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến; chú trọng phát triển các sản phẩm mới, phát triển công nghiệp phụ trợ. 
 
Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh. Đối với ngành chế biến nông - lâm sản thực phẩm sẽ cơ cấu lại ngành sản xuất chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất tinh bột sắn, tinh dầu quế... Đồng thời, đổi mới công nghệ máy móc thiết bị, nâng cao sản lượng, tiếp tục mời gọi đầu tư một số dự án có công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm”. 
 
Với ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sẽ giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, tăng cường đầu tư chế biến sâu một số sản phẩm chủ lực như: đá xẻ, đá bột CaCO3, quặng sắt, grafit tinh lọc, chì, kẽm... 
 
Đối với ngành sản xuất điện, duy trì hoạt động của các nhà máy thủy điện hiện có, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và các dự án đã được thỏa thuận khảo sát; mời gọi và khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối. 
 
Tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, dệt may, da giày, hóa chất.
 
Để bảo đảm thúc đẩy phát triển công nghiệp theo định hướng của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Giám đốc Trương Ngọc Biên nhấn mạnh: "Ngành công thương thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển công nghiệp đã được đề ra tại Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tăng cường mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, ưu tiên các dự án có dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, sản xuất chế biến sâu các sản phẩm với chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường”.
 
Cùng với đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định, lựa chọn dự án để cấp phép đầu tư; chỉ chứng nhận đầu tư các dự án đủ điều kiện đồng thời lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực thực tế; tăng cường vận động, khuyến khích, hỗ trợ cải tạo đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, đổi mới công nghệ chế biến; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp vào khu, cụm công nghiệp.
 
Tỉnh tranh thủ nguồn khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và bố trí thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
 
Ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về môi trường đầu tư, chính sách đầu tư... cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh.
 
Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 -2020 với lộ trình và bước đi phù hợp sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn gắn với bảo vệ môi trường, đây chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.