Ngày 17/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Cà Mau: Hội nghị tập huấn sản xuất sạch hơn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

00:00 - 11/05/2017
Trong buổi tập huấn, TS. Nguyễn Xuân Hoàng đã giới thiệu tới các học viên các chuyên đề chính về sản xuất sạch hơn: khái niệm, các nguyên tắc thực hiện sản xuất sạch hơn, những kỹ thuật thực hiện sản xuất sạch hơn, những lợi ích từ sản xuất sạch hơn, cũng như những điều cần lưu ý khi triển khai quy trình sản xuất sạch hơn. TS cũng chỉ ra vấn đề trọng tâm của quy trình sản xuất sạch hơn là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm. Thông qua quy trình sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp có thể tìm ra những giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, giảm phát thải; đảm bảo tốt hơn các tiêu chí về môi trường theo pháp luật; giảm chi phí cho quản lý, sản xuất và nâng cao trách nhiệm xã hội, uy tín của mình đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 
 
Một số giải pháp của sản xuất sạch hơn đã được Bộ Công Thương công bố được phổ biến trong buổi tập huấn:
 
Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của sản xuất sạch hơn, không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể dược thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp. Các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dể tránh tổn thất.
 
Kiểm soát quá trình tốt hơn để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hoá về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc độ... cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. 
 
Thay đổi nguyên liệu là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn; nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. 
 
Cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng/lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị.
 
Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện dại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác nhưng đem đến tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng tốt hơn.
 
Tuần hoàn các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ.
 
Tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu thập "chất thải" và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho quá trình giặt khác.
 
Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) "các dòng thải" dể có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán.
 
Lớp tập huấn sản xuất sạch hơn diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần giúp các doanh nghiệp tại địa phương nắm vững chính sách và các thông tin có liên quan về sản xuất sạch hơn trong thời gian tới. Qua đây, Sở Công thương Cà Mau đã và đang cụ thể hóa, đưa những quy trình sản xuất sạch hơn vào áp dụng sâu, rộng và có hiệu quả các giải pháp sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
 
Văn phòng CPSI