Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương: Biến chất thải thành phân compost

00:00 - 01/12/2016
Tại KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, rác sinh hoạt được tái chế thành phân compost, phục vụ cây trồng tại địa phương và các tỉnh lân cận. Khu xử lý rác sinh hoạt tái chế thành phân compost với nhà máy sản xuất phân compost có công suất 420 tấn/ngày và nhà máy xử lý nước rỉ rác với công suất 480 m3/giờ, yêu cầu xử lý nước rỉ rác đạt loại A. Hiện tại, công suất sản xuất phân compost tại KLH đã đạt đỉnh 420 tấn/ngày đêm.

Mỗi ngày khoảng 1.200 – 1.500 tấn rác sinh hoạt, rác thải công nghiệp từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương được trở về KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.  Rác sinh hoạt được các xe vận chuyển đến Khu liên hợp. Sau khi cân xe đưa rác đến hố tập kết giao lại cho phân xưởng tái chế rác sinh hoạt thành phân compost (mùn hữu cơ) với nhãn hiệu “Con Voi Bình Dương”. Xe sẽ tiếp tục di chuyển đến bãi rửa xe để làm vệ sinh. Nước rửa xe là nước được xử lý từ nước rỉ rác. Như vậy, lượng nước rỉ rác hay hệ thống nước thải nói chung, nếu được quy hoạch và xử lý đúng kỹ thuật cũng sẽ là một nguồn tài nguyên có thể khai thác, tận dụng.

Để có thể trở thành một loại nguyên liệu thích hợp cho sản xuất phân bón quy mô công nghiệp, rác thải trước hết phải được phân loại và làm sạch. Rác thải sinh hoạt được đưa vào dây chuyền phân loại tự động để loại bỏ các thành phần vô cơ (kim loại, cát, sỏi,…) hay các chất hữu cơ khó phân hủy (nhựa, cao su,…). Trong quá trình phân loại một số rác được gọi là ve chai được tận dụng, chất vô cơ chuyển sang khu vực vật liệu của bê tông/gạch. Số rác sơ, sợi, vô cơ không làm phân được được đem chôn, giai đoạn tiếp theo sẽ đưa qua đốt. Các thành phần hữu cơ dễ phân hủy được băng chuyền chuyển về hầm ủ; được bổ sung thêm men vi sinh, cấp dưỡng khí giúp quá trình lên men, chuyển hóa, phân hủy rác được nhanh và thuận lợi hơn.

Sau khoảng 20 ngày, rác được ủ chín, chuyển sang công đoạn sản xuất mùn phân compost. Tại đây, các thành phần chưa phân hủy tiếp tục được phân loại và tách ra khỏi hỗn hợp  nhằm bảo đảm tính đồng nhất và chất lượng của sản phẩm phân composst. Phần mùn sau đó được bổ sung các chất hữu cơ, dinh dưỡng, khoáng chất theo hàm lượng thích hợp với từng loại phân bón theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong suốt quá trình ủ chua, rác thải sinh hoạt được phủ bạt HDPE lên bề mặt và phun xịt hóa chất khử mùi và tăng tốc độ phân hủy. Nước rỉ rác được thu hồi đồng thời với khí biogas để làm nguyên liệu chạy máy phát điện sử dụng để vận hành hệ thống máy sục khí xử lý nước rỉ rác và cấp điện cho phân xưởng cơ khí trực thuộc khu liên hợp. Điều này giúp quy trình sản xuất của KLH trở thành một vòng tuần hoàn gần như khép kín, giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên và năng lượng trong quá trình sản xuất.

Sản phẩm phân bón Con Voi Bình Dương của KLH xử lý rác thải nam Bình Dương đã được đăng ký kiểm nghiệm đúng quy trình, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa ra thị trường và giá cả rất cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu sử dụng của người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm phân compost sản xuất từ rác thải của KLH xử lý rác thải Nam Bình Dương đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn, sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Kỳ vọng trong tương lai, nhà nước có thể tiếp tục chú trọng đầu tư và nhân rộng hơn nữa các mô hình xử lý rác thải thành công như tại KLH xử lý rác thải Nam Bình Dương trên nhiều địa phương, góp phần đem lại lợi ích phát triển bền vững cả trong lĩnh vực kinh tế và vấn đề môi trường.

Văn phòng CPSI