Ngày 19/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Bến Tre nới cơ chế cho khuyến công

00:00 - 21/09/2015
Theo quy chế quản lý và sử dụng quỹ khuyến công được UBND tỉnh ban hành năm 2006, mức hỗ trợ của khuyến công khá thấp. Với hình thức hỗ trợ thu hồi một lần và thu hồi hàng năm thông qua khấu hao cơ bản mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/đề án.

Các nội dung thuộc hình thức hỗ trợ không thu hồi mức hỗ trợ cũng khá thấp. Cụ thể, với nội dung xây dựng thí điểm mô hình trình diễn kỹ thuật, các đề án: Tuyên truyền, phổ biến nhân rộng mô hình hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/mô hình; cải tiến công nghệ quy trình sản xuất hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/mô hình; xây dựng các đề án xây dựng mô hình trình diễn quy trình sản xuất mới, công nghệ mới… mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình.

Cũng theo quy chế này tại một thời điểm trong năm, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chưa nhận được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước, chỉ được hưởng 1 hình thức hỗ trợ.

Thực tế, mức hỗ trợ như trên của khuyến công Bến Tre là quá thấp so với nhu cầu. Đơn cử, với đề án xây dựng mô hình trình diễn sản xuất công nghệ mới, mức đầu tư của đơn vị thụ hưởng lên tới hàng tỷ đồng, trong khi đó, kinh phí khuyến công chỉ hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng cho mỗi đề án. Chính mức hỗ trợ không thỏa đáng này tạo cho doanh nghiệp tâm lý “có cũng được, không cũng được” và thờ ơ với chính sách khuyến công.

Trước hiện trạng đó, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công mới thay thế cho quy chế cũ. Quy chế mới đã nới đáng kể mức chi, đồng thời nâng mức thụ hưởng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Theo đó, với nội dung xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới, mức trần hỗ trợ đã tăng gấp đôi, lên mức tối đa 300 triệu đồng/đề án; mức hỗ trợ nhân rộng, phổ biến mô hình cũng tăng lên tối đa 100 triệu đồng/đề án.

Quy chế mới cũng quy định chi tiết một số nội dung và mức hỗ trợ cho khuyến công, như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất, chuyển giao công nghệ không quá 150 triệu đồng/đề án; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp tối đa 50% chi phí di dời, không quá 100 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ đăng ký sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 30 triệu đồng/sản phẩm…

Cùng với đó, nội dung hỗ trợ của khuyến công Bến Tre cũng được nới rộng hơn. Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ các đề án khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, khuyến công Bến Tre cũng hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Quy chế mới cũng xây dựng một cách chi tiết quy trình xây dựng, thẩm định, thanh quyết toán đề án. Điều này sẽ giúp đối tượng thụ hưởng tiết kiệm đáng kể thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính.

Sự điều chỉnh về cơ chế hỗ trợ của tỉnh trong công tác khuyến công được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT của liên Bộ Tài chính- Công Thương, giúp khuyến công Bến Tre thuận lợi hơn trong quá trình triển khai hoạt động và tạo được sức hút với các cơ sở công nghiệp nông thôn.