Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 02/12/2024 | 04:37 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp Thái Nguyên với chuyển đổi xanh

31/10/2024

Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Qua đó thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. Đây là trách nhiệm của mọi người, mà trọng tâm là các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Đến Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam), chúng tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh đơn vị sản xuất công nghiệp nặng mà như một công viên. Hệ thống cây xanh trồng trong khuôn viên Công ty được chăm sóc, tạo cảnh quan xanh mát. Ở các phân xưởng, công nhân tự góp cây trồng, xây dựng không gian xanh để sau mỗi giờ làm việc nghỉ ngơi, uống trà trò chuyện.
Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - một trong những mô hình "nhà máy công viên" trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TL
Với khẩu hiệu “An toàn - Đổi mới - Phát triển” và “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, tại các khu vực có mặt bằng, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV giao trách nhiệm cụ thể cho từng phân xưởng, phòng, ban chủ động quản lý, vệ sinh, trồng cây xanh, cây cảnh. Cùng với sản xuất điện an toàn, Công ty luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, coi đây là trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Hằng tuần, Công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá việc phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp theo đúng quy trình, định kỳ nạo vét tro xỉ trong các bể lắng, rãnh thoát nước, đảm bảo nước chảy ra các cửa xả không vượt thông số cho phép.
Tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh của tỉnh phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Nhà máy của TNG thuộc Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ ấn tượng với mô hình phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG, nhấn mạnh: Doanh nghiệp cam kết phát triển xanh với việc đổi mới trong triển khai các dự án để tiệm cận hơn với tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các nhà máy của TNG tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Cụm công nghiệp Sơn Cẩm được xây dựng, vận hành hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện về kinh tế - xã hội và môi trường. Nhà máy phụ trợ tại TP. Sông Công được chứng nhận Lotus bạc, Nhà máy xanh Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED.
Các nhà máy của TNG đều sử dụng phần mềm mô phỏng tính toán trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Công ty lựa chọn vật liệu phù hợp, thân thiện với môi trường. Trong quá trình đầu tư công nghệ TNG đặc biệt quan tâm trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Đặc biệt, TNG sử dụng lò điện để giảm phát thải CO2; xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, dùng nguồn nguyên liệu tái chế giảm thiểu khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Với việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, TNG hướng đến sản xuất kinh doanh bền vững phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Nước thải của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Yên Bình được thu gom, xử lý, quan trắc tự động đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
Không riêng TNG, một trong những DN trên địa bàn tỉnh sớm quan tâm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Công ty cùng các đơn vị thành viên của Masan High-Tech Materials trên toàn cầu tập trung vào nghiên cứu, cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, sử dụng công nghệ AI, các phần mềm quản lý khai thác và chế biến khoáng sản tiên tiến, giúp tối ưu hóa tỷ lệ thu hồi và giảm thiểu lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Kiên định trên hành trình phát triển bền vững, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo không chỉ thực hiện “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” mà còn tập trung đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao, hướng tới sản xuất xanh và hiệu quả hơn. Công ty luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ cho người dân vùng dự án về cách phân loại rác thải tại nguồn, trồng cây xanh, thu gom, xử lý rác thải theo quy định.
Ngoài sự cộng hưởng của DN trong hành trình chuyển đổi xanh, công tác thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, sản phẩm có giá trị sản xuất cao để ưu tiên cấp phép đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã hợp tác với Saigontel để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2030, Saigontel sẽ nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh xác định và lựa chọn chính sách cũng như chiến lược tài trợ tập trung vào việc giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Saigontel và các đối tác sẽ phối hợp, đồng hành cùng tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh xanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư công nghệ cao thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế mở rộng hoạt động vào các khu công nghiệp điển hình đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng “0”.
Trong hành trình chuyển đổi xanh, Thái Nguyên đang nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp, từng bước tham gia sâu vào “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư của thế giới, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Thái Nguyên