Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 02/12/2024 | 04:30 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đồng Nai đi đầu sản xuất xanh

30/09/2024

Trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn đi đầu trong sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn để hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, tại Đồng Nai trên từng lĩnh vực, địa phương đều xây dựng kế hoạch giảm phát thải để đến năm 2050 đạt net zero theo đúng cam kết của Chính phủ.
Xu hướng tất yếu
Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 33 khu công nghiệp (KCN) và 27 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Trước tình hình tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh hằng năm lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh, mức phát thải khí nhà kính dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do vậy, Đồng Nai đang theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.
Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp. (Ảnh: Công an Nhân dân)
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Tỉnh Đồng Nai đã tiên phong thực hiện đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa Net Zero theo cam kết của Chính phủ tại COP26 và COP28.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân làm trung tâm, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh bền vững. Đồng Nai đã đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, trong đó chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero trước năm 2050.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ngày 2/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 261/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh cấp tỉnh do quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm trưởng ban. Tiếp đó, ngày 19.2.2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND phê duyệt đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đề án này, tỉnh Đồng Nai chọn 7 lĩnh vực để tập trung nghiên cứu hiện trạng, tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0, bao gồm: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng và khu đô thị. Đây đều là những ngành nghề, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải cao và nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp tham gia sản xuất xanh
Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia tại KCN Amata - Đồng Nai là doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí năng lượng và giảm lượng phát thải khí CO2 mỗi năm.
Ông Nguyễn Phước Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia cho biết: Để để tiết kiệm năng lượng, Công ty đã chủ động thực hiện kỹ thuật thu hồi toàn bộ nhiệt phát ra của các nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất bên trong. Cụ thể, năm 2022, công ty đã thu hồi gần như toàn bộ năng lượng từ khí nóng của lò đốt nhôm để sử dụng cho quá trình sấy ở dây chuyền sơn và hệ thống sấy lá thép. Hệ thống lấy khí nóng được Toshiba dùng đường ống truyền tải đi trên mái nhà và qua bộ trao đổi nhiệt sử dụng quạt hút khí nóng từ lò nhôm và quạt tuần hoàn nhiệt nên có thể điều chỉnh nhiệt độ mong muốn một cách dễ dàng. 
Đường ống truyền tải khí nóng tại Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia
“Nếu trước đây để sấy sản phẩm sau khi sơn phủ và sấy khô dầu trên sản phẩm lá thép đều sử dụng đèn sấy hồng ngoại dùng năng lượng điện, thì đến nay đã sử dụng nguồn nhiệt thải từ lò nấu nhôm để sấy sản phẩm thông qua thiết bị trao đổi nhiệt giúp giảm lượng điện năng sử dụng và giảm lượng phát thải CO2. Ước tính giải pháp này giúp Công ty tiết kiệm gần 1 tỷ đồng chi phí tiền điện và gần 400 tấn CO2 mỗi năm”, ông Nguyễn Phước Hiếu thông tin thêm.
Hay Công ty TNHH Onsemiconductor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2) cam kết đến năm 2040 sẽ đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero). DN đang nghiên cứu và đầu tư các chương trình sử dụng năng lượng tái tạo và sạch. Trong đó có dự án chuyển đổi sử dụng 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040.
Theo lãnh đạo Onsemiconductor Việt Nam, doanh nghiệp hướng tới không xả thải vào đất từ những sản phẩm trong quá trình sản xuất ở các nhà máy. Đối với chương trình giảm phát thải khí nhà kính, công ty áp dụng các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, nghiên cứu loại bỏ khí flo hóa không cần thiết và sử dụng các loại khí thay thế, lắp đặt các thiết bị giảm thiểu điều tiết khí thải được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn...
Khu xưởng sản xuất của Công ty CP Kết cấu thép GSB luôn thoáng mát nhờ hệ thống làm mát được sử dụng từ năng lượng tự nhiên. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Còn theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB ở KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), ngành nghề cơ khí chế tạo phát sinh nguồn nhiệt lớn và sử dụng nhiều điện năng. Để hạn chế các tác động tiêu cực, doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. Bên cạnh việc tiết giảm năng lượng, giảm phát thải ngay tại nhà máy, GSB còn hợp tác chiến lược với đối tác lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình, nhà xưởng tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Điều này phù hợp với xu hướng xây dựng của tương lai khi tất cả đều hướng tới phát triển bền vững.
Hiện tại, trong các khu công nghiệp Đồng Nai không chỉ có 3 doanh nghiệp trên chủ động đổi mới công nghệ hướng đến sản xuất xanh, mà còn rất nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng các quy trình công nghệ sản xuất xanh vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Hương Trà