Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 03:16 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đồng Nai xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất bền vững

30/07/2024

Xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang nhận được nhiều quan tâm từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến người tiêu dùng. Tận dụng lợi thế là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, Đồng Nai mong muốn tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững. 
Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 33 khu công nghiệp (KCN) và 27 cụm công nghiệp. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.863 km², quy mô dân số trên 3,2 triệu người. Toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Trước tình hình tiêu thụ năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh hàng năm và tốc độ tăng trưởng nhanh, mức phát thải khí nhà kính dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới.
KCN Amata tại Đồng Nai là một trong 3 KCN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn làm thí điểm KCN sinh thái trong giai đoạn 2020-2023 (Ảnh: VnGreen).
Từ năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch sản xuất sạch hơn hàng năm để phát triển mô hình sản xuất bền vững. Tỉnh cũng thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền địa phương, việc liên kết kỹ thuật trong sản xuất, nguyên vật liệu sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tỉnh phát triển bền vững hơn. Chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn trong việc tiên phong trong sản xuất bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ học hỏi và áp dụng các phương pháp sản xuất xanh, tiên tiến, thân thiện với môi trường, giảm thiểu các sai sót trong quy trình sản xuất, đồng thời giảm phát thải ra môi trường.
Quyết định số 385/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu giảm phát thải 20% trong giai đoạn 2025-2030; giảm 45% phát thải trong giai đoạn 2030-2035; đạt trung hoà các-bon trong giai đoạn 2035-2045 và sẽ tiến tới phát thải khí nhà kính bằng 0 giai đoạn 2045-2050. 

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 414 KCN đang hoạt động, riêng Đồng Nai có 33 KCN đang hoạt động với gần 2 ngàn dự án của các DN trong nước và nước ngoài. Mỗi KCN đều có nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia và năng lượng sử dụng tương đồng nhau. Vì thế, các DN cộng sinh trong phát triển công nghiệp sẽ cùng được hưởng lợi: giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chủ động sản xuất và giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Ban Quản lý dự án KCN sinh thái Việt Nam cho biết: “DN cộng sinh trong phát triển công nghiệp là một trong những bước để xây dựng KCN sinh thái, đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành các KCN sinh thái còn là xu hướng chung các nước trên thế giới đang hướng đến nhằm thúc đẩy hình thành một nền công nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường”.
Ứng dụng máy móc công nghệ mới vào sản xuất gỗ tại Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Ảnh: Báo Đồng Nai) 
Cũng theo bà Trâm Anh, KCN Amata (Biên Hòa, Đồng Nai) đang triển khai mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, bước đầu đã đem lại hiệu quả cho các DN và đã xác định được cơ hội cộng sinh công nghiệp. Do đó, công ty hạ tầng KCN Amata nên vận động các DN trong khu cùng tham gia để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An tại Khu công nghiệp Amata, cho biết chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chiến lược kinh doanh của Nestlé đến năm 2025 và xa hơn. Mục tiêu của công ty là thúc đẩy sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Hoàng Dương