Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 15/11/2024 | 09:30 GMT+7

Sản xuất bền vững

Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng tái chế

30/09/2024

Phát triển vật liệu xây dựng tái chế là yêu cầu cấp thiết, đây không chỉ là giải pháp cho nhu cầu vật liệu xây dựng của Thủ đô mà còn là một hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai khi nguồn cung ứng vật liệu xây dựng đã trở thành bài toán lớn.
Yêu cầu cấp thiết
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, công trình xây dựng trong cả nước đang tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn, kéo theo những tác động về môi trường do ô nhiễm bụi và rác thải xây dựng khó tái chế. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn tài nguyên khoáng sản cung ứng cho ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang ngày càng cạn kiệt, đặt ra những thách thức cho quá trình đầu tư các dự án hạ tầng.
Do vậy, việc phát triển vật liệu thay thế, vật liệu xanh nhằm giảm thiểu khai thác tài nguyên, khoáng sản, tăng thêm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Đây vừa là xu thế tất yếu, vừa là mục tiêu hướng tới của ngành xây dựng và công nghiệp sản xuất VLXD Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
TP Hà Nội khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng mới tiên tiến, vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, giảm ô nhiễm môi trường . Ảnh minh họa
Ông Võ Nguyên Phong cho biết, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4. Nhu cầu một số loại vật liệu phục vụ các dự án này cần số lượng lớn, chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt như một số loại vật liệu rời (đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp…) và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Về lâu dài, cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, vật liệu xanh, bền vững.
Việc sử dụng vật liệu tái chế như bê tông tái chế, gạch không nung hay thép tái chế không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các loại vật liệu này thường có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực khác từ môi trường. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một thành phố đang phát triển nhanh như Hà Nội, nơi các công trình xây dựng phải đối mặt với nhiều thách thức về độ bền và an toàn.
Báo cáo môi trường quốc gia về quản lý chất thải rắn do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cho thấy, tổng lượng chất thải rắn đô thị trên toàn quốc phát sinh trung bình khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó phế thải xây dựng chiếm khoảng 10%-12%. Riêng tại Hà Nội, qua số liệu điều tra và khảo sát của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày phát sinh từ 8.000 đến 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Để thúc đẩy sự phát triển của vật liệu xây dựng tái chế, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ. Nổi bật như Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng tới 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020; Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 với quan điểm tận dụng tối đa các nguồn phế thải có thể tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu không nung.
Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 179/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới…
Đối với TP. Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thành phố đã có chủ trương thúc đẩy tái chế chất thải xây dựng và đầu tư một số điểm tập kết, nghiền phế thải xây dựng. Một số dây chuyền tái chế phế thải xây dựng được nhập khẩu từ Áo, Đức.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đã thí điểm dây chuyền nghiền nhỏ phế thải xây dựng, tái sử dụng làm vật liệu nền móng tại công trường thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng đầu tiên được triển khai tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Tài nguyên và môi trường)
Trên thực tế, nhiều loại vật liệu xây dựng tái chế và mới đã bắt đầu được ứng dụng tại Hà Nội và một số địa phương. Các sản phẩm vật liệu xây dựng sử dụng vật liệu nano, đá ốp lát nhân tạo, gạch làm mát, kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu lợp thông minh, nhôm profile, nhựa profile… đang dần khẳng định vị thế. Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng mới cũng đang được đầu tư mạnh mẽ, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Sử dụng vật liệu xây dựng tái chế là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn của TP. Hà Nội. Với những nỗ lực từ cả chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của các chính sách quốc gia, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng tái chế, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Hữu Phát