Ngày 02/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Nghiên cứu tái tạo nhiên liệu từ dầu ăn thải bỏ

08:09 - 26/09/2023
Bằng kiến thức đa ngành cùng cách tiếp cận mới, các nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã hướng đến bảo vệ môi trường.
Năm 2022, nhóm sinh viên K64, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (nay thuộc Trường Hóa và Khoa học sự sống): Trần Quốc Hưng, Phạm Thị Thùy Dương, Bùi Hà Trang, dưới sự hướng dẫn của PGS. Đoàn Thị Thái Yên đã triển khai nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng và thách thức của Biodiesel chuyển hóa từ dầu ăn thải hộ gia đình ở Việt Nam”.
Ý tưởng nghiên cứu của nhóm đi vào một khía cạnh có nhiều thách thức, đó là sử dụng dầu ăn thải từ hộ gia đình ở Việt Nam để sản xuất Biodiesel - một loại nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, có khả năng thay thế dầu Diesel truyền thống và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nghiên cứu của cô trò Trường Hóa và Khoa học sự sống mang tính ứng dụng cao, hướng tới việc thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu ô nhiễm, đạt giải Ba cấp đại học tại Hội nghị Sinh viên NCKH năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhóm sinh viên: Trần Quốc Hưng, Phạm Thị Thùy Dương, Bùi Hà Trang vinh dự nhận giải Ba cấp đại học tại Hội nghị Sinh viên NCKH năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: ĐH Bách Khoa Hà Nội)
Nếu phương pháp này được áp dụng rộng rãi, có thể giúp giảm thải bỏ bừa bãi dầu ăn thải, giảm sử dụng Diesel dầu mỏ và giảm bớt lượng khí CO2 và các khí gây ô nhiễm không khí. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giữ gìn môi trường xanh sạch hơn cho tương lai. Bên cạnh đó, việc thu gom và chế biến dầu ăn thải từ hộ gia đình còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Đại diện cho nhóm, Trần Quốc Hưng cho biết: Việc thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác là một thách thức với các sinh viên vì chưa có hệ thống chính thức ở các địa phương để thu gom lượng dầu ăn thải từ các hộ gia đình. Dưới sự hướng dẫn của cô Đoàn Thị Thái Yên, nhóm đã tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, thực hiện cuộc khảo sát và phân tích dữ liệu một cách tổng thể để đánh giá tiềm năng sử dụng dầu ăn thải trong sản xuất Biodiesel.
“Khi có đủ nguồn tư liệu, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, nhóm thực nghiệm quy trình sản xuất Biodiesel từ dầu ăn thải. Những buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, trải nghiệm trực tiếp quá trình xử lý dầu ăn thừa, pha trộn các hóa chất để tạo ra Biodiesel vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp nhóm hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất Biodiesel mà còn tạo ra môi trường học tập và thảo luận tích cực. Chúng em mong hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của nghiên cứu sẽ được đánh giá đầy đủ để nhiên liệu sinh học có thể sản xuất với chi phí hợp lý, giúp người dân sử dụng lâu dài. Đồng thời hy vọng nghiên cứu có thể khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đóng góp vào việc xây dựng một tương lai bền vững hơn”. -  sinh viên Trần Quốc Hưng nói.
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên và nhóm sinh viên thuyết trình đề tài tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: ĐH Bách Khoa Hà Nội)
PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên đánh giá cao ý tưởng của học trò. Nghiên cứu không chỉ giúp các bạn làm quen với khoa học mà còn nâng cao ý thức đối với việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giữ gìn môi trường xanh sạch cho tương lai. Bên cạnh đó, việc thu gom và chế biến dầu ăn thải từ hộ gia đình còn giúp tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Khánh An