Ngày 12/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Nhà máy đường NASU sản xuất tuần hoàn để giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường

10:00 - 19/07/2023
Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU - thành viên Tập đoàn TH) là một trong những nhà sản xuất đường lớn của Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, NASU có tổng công suất ép 7000 tấn mía/ngày. Hàng năm, NASU sản xuất ra trên dưới 100,000 tấn đường đạt tiêu chuẩn TCVN và Quốc tế. Sản phẩm của Nasu được đánh giá cao bởi các công ty thực phẩm và nước giải khát hàng đầu như Pepsi, URC, TH, Dutch Lady, Kinh Đo, Royal Food…
NASU sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại và tự động hoá cao, thiết kế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng cao trong khu vực và Châu Á. Công ty đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2005.
 Sau khi ép hết nước, bã mía sẽ được tận dụng để đốt lò hơi, sản xuất điện.
Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU, cho biết: Thông thường, đối với nhiều nhà máy khác, chất thải từ quá trình sản xuất sẽ được tập kết, thu gom và chở đi xử lý tại các bãi rác tập trung. Tuy nhiên, đối với NASU, mọi chất thải đều có giá trị.
Bã mía sau khi ép hết nước được đưa vào lò đốt để từ đó sản xuất điện. Nhiều năm nay, 100% sản lượng điện dùng cho mọi hoạt động của nhà máy đều tự sản xuất, phần còn lại hòa lưới điện quốc gia, bán cho Nhà nước. Mô hình biến bã mía thành điện năng không chỉ giúp NASU tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia, hạn chế khai thác nguồn năng lượng hóa thạch và tiết kiệm chi phí đầu vào, mà còn tận dụng rác thải (bã mía) tạo ra điện, giảm thiểu một lượng lớn chất thải sản xuất xả ra môi trường. Thực hiện đúng với phương châm “Rác cũng là tài nguyên”.  
Ngoài bã mía, tất cả sản phẩm phụ từ cây mía đều được NASU sử dụng cho mục đích khác. Tro của quá trình đốt bã mía, bã bùn được làm phân bón mía. Mật rỉ cuối làm thức ăn cho bò sữa hoặc làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm, thực phẩm khác như cồn, bia, mì chính… Lá và rễ mía được làm phân bón trực tiếp, giữ độ ẩm, tạo độ mùn cho đất trồng mía.
Dây chuyền sản xuất điện từ bã mía
Là doanh nghiệp sản xuất lớn với lượng xả thải cao, công ty đã chú trọng cải tạo nâng cao hệ thống xử lý khói thải nồi hơi, đảm bảo khí thải, bụi, các chất vô cơ đạt quy chuẩn. Đồng thời, hơn 20 năm qua, lượng nước thải của công ty đã được tái sử dụng 100% với mô hình hồ nước tuần hoàn không sử dụng hóa chất để xử lý nước thải mà dùng men vi sinh (theo công nghệ của Anh) và thời gian để nước “tự hồi phục”. Mô hình này gồm 7 hồ, có chức năng xử lý nước thải theo 7 giai đoạn và nó được đặt tên theo mỗi ngày trong tuần.
"Tại NASU, nước được sử dụng tuần hoàn, hơi nước bốc lên từ các nồi nấu được hấp thụ và bơm về hồ, làm mát qua các giàn phun và bơm quay lại sử dụng tiếp. Nước thải được xử lý tự nhiên bằng men vi sinh qua các hồ chứa sau khi đạt tiêu chuẩn xả thải sẽ bơm đi tưới cho ruộng mía", ông Tú cho biết thêm.
Với Các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học dày đặc, NASU đang được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) đề xuất để nơi đây có thể trở thành Khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam không phải do nhà nước quản lý (OECM).
Mai Anh