Ngày 09/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Hà Nội tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp

09:07 - 10/07/2023
Vừa qua, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đã tổ chức Hội thảo tập huấn tuyên truyền phổ biến một số nội dung về biến đổi khí hậu theo Luật Bảo vệ môi trường. Trọng tâm là các quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải và thị trường các-bon.
Tham dự có đại hiện hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, cả trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất. Qua khảo sát, Hà Nội hiện có 83 doanh nghiệp nằm trong danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính của Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Trong đó, có tới 61 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có 9 Khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng số hơn 700 doanh nghiệp. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của viêc thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phát biểu tại buổi tập huấn
Chia sẻ về các quy định kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm ứng phó Biến đối khí hậu (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) cho biết: Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), để thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam, lộ trình chia theo 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, doanh nghiệp phát thải lớn sẽ phải có kế hoạch thực hiện giảm nhẹ phát thải cho giai đoạn từ năm 2026 – 2030 để triển khai.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
TS. Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm ứng phó Biến đối khí hậu (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) 
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà. Trong đáo: 1.662 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, 70 cơ sở thuộc Bộ Giao Thông vận tải, 104 cơ sở thuộc Bộ Xây dựng và 76 cơ sở thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025.
"Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục. Ngoài trách nhiệm kiểm kê và giảm phát thải, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia thị trường các-bon và có thể đem về nguồn thu mới" – TS Nguyễn Hùng Minh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Mecie Việt Nam đã chia sẻ về cách thức kiểm kê, quy trình kiểm kê khí nhà kính và những công nghệ doanh nghiệp cần nắm vững. Mecie cũng đưa ra các giải pháp tính toán kiểm kê một cách tự động hóa trên nền tảng website, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức thực hiện công tác này.
Theo bà Hằng, trước khi có quy định chính thức của Bộ TN&MT, chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tìm đến đơn vị tư vấn để phục vụ công tác kiểm kê nội bộ, báo cáo lên công ty mẹ. Những năm gần đây, khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo về giảm phát thải, doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu có ý thức cần phải kiểm kê khí nhà kính. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất liên quan đến giảm phát thải, chúng tôi có thể hỗ trợ chuyên sâu hơn cho doanh nghiệp về vấn đề kiểm kê khí nhà kính, đáp ứng các yêu cầu pháp luật hiện hành cũng như góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
Tại hội thảo, đại diện Kotra Hà Nội, bà Vũ Bích Ngọc đã chia sẻ thông tin về cơ chế tín chỉ carbon, cách thức sở hữu tín chỉ các bon thông qua triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính, lấy ví dụ trong các lĩnh vực: Dệt nhuộm; năng lượng tái tạo thông qua lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng; thu hồi và giảm thiểu khí mê-tan từ các dự án xử lý nước thải công nghiệp… Kotra hiện đang xúc tiến hợp tác giữa cấp bộ ngành về thực hiện chuyển giao kết quả giảm nhẹ KNK quốc tế, đề xuất chính phủ xây dựng hành lang pháp lý và tìm kiếm các đối tác tiềm năng tại Việt Nam thực hiện hiện dự án giảm phát thải.
Hơn 100 doanh nghiệp tham gia tập huấn
Tại hội thảo, đại diện hơn 100 doanh nghiệp thực hành tính toán lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời, thảo luận, trao đổi cùng chuyên gia về những vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo, kiểm kê.
Anh Thư