Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Thái Nguyên

00:00 - 13/07/2016
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Công Bằng - Giám đốc Nhà máy xi măng Lưu Xá, để sản xuất gạch không nung, Nhà máy đã đầu tư trên 15 tỷ đồng trang bị dây chuyền đồng bộ, hiện đại để sản xuất gạch bê tông theo công nghệ ép rung. Sản phẩm gạch không nung của Nhà máy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, được người sử dụng tin tưởng, đánh giá cao (sản phẩm đã được sử dụng 100% trong thi công Nhà điều hành Trung tâm bến xe khách của tỉnh Thái Nguyên và Trường Mầm non Cao Ngạn). Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho biết, do còn thiếu các thông tin về ưu điểm của gạch không nung cũng như thói quen của người sử dụng nên việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn; sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều sản phẩm gạch không nung khác cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của Nhà máy…

Theo ông Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận thức được tác hại của việc sản xuất gạch đất sét nung và những ưu điểm của vật liệu không nung, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung như Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến 2020; Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất xây dựng… Theo đó, đã có 54 tỉnh/thành phố xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; 25 tỉnh/thành phố ban hành chỉ thị tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng đất sét nung.

Ông Hoàn Đức Khánh - Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên chia sẻ, hiện nay nhu cầu nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh bao gồm vật liệu xây nung và vật liệu xây không nung khoảng 700 triệu viên/năm. Nhằm hạn chế sử dụng vật liệu xây dựng từ đất sét nung, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND phê duyệt lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung; Quyết định số 314/QĐ-UBND phê duyệt đề án tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh... Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số bất cập như việc chuyển đổi ngành nghề của các doanh nghiệp sản xuất gạch nung còn khó khăn, tâm lý và thói quen của người sử dụng vật liệu gạch nung còn phổ biến, thị trường tiêu thụ gạch không nung còn hạn chế...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) kiêm Giám đốc Dự án cho rằng, Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam được thực hiện nhằm mục tiêu tổng quát là cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam. Dự án trình diễn công nghệ sản xuất gạch bê tông bằng công nghệ rung ép đã được Ban quản lý dự án phối hợp với Nhà máy xi măng Lưu Xá, Thái Nguyên thực hiện bước đầu thành công. Đây là cơ sở quan trọng để Dự án tiếp tục lựa chọn các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm để triển khai các mô hình trình diễn tiếp theo trong thời gian tới.