Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 | 12:25 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đa dạng vật liệu tái chế để sản xuất chậu trồng cây

06/07/2023

Khi nhắc đến chậu trồng cây, phần đa trong chúng ta thường nghĩ ngay đến các loại chậu có chất liệu nhựa, sứ, xi măng. Tuy nhiên, ít người biết rằng các phế phẩm như bã mía, vỏ lạc hay vỏ trấu cũng làm nên những chiếc chậu vô cùng xinh xắn và thân thiện với môi trường.
Bã mía và thân cây chuối
Mới đây, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (An Giang) đã sáng tạo ra một loại chậu trồng cây và lọ ươm cây được làm từ bã mía và thân cây chuối. Ý tưởng được các em thực hiện sau khi chứng kiến quá nhiều bã mía từ các xe nước mía chất thành đống; cũng như nhiều thân chuối bị chặt bỏ sau khi thu hoạch quả, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, các em đã tiến hành thu gom các phế phẩm bã mía và thân chuối để tận dụng làm chậu trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Sản phẩm chậu trồng cây được làm từ bã mía và thân cây chuối có tính ứng dụng cao trong đời sống (Ảnh: Thanh niên)
Quy trình để cho ra một sản phẩm chậu trồng cây khá đơn giản: bã mía và thân chuối được băm nhỏ, phơi xay nhuyễn thành bột, trộn với bột keo và chất kết dính, nhồi đều tay, tạo hình, đem phơi từ 2 - 3 ngày, sơn màu, trang trí. Do quy trình thực hiện khá đơn giản cộng với việc tái sử dụng các phế phẩm nên chi phí để làm ra 1 chiếc chậu chỉ tốn vài ngàn đồng. Tuy nhiên, sản phẩm lại có tính ứng dụng rất cao trong đời sống với khả năng giữ độ ẩm và dinh dưỡng thiết yếu cho cây, giảm lượng nước tưới. 
Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, rễ cây dễ dàng đâm xuyên qua lớp chậu xuống đất để tiếp tục phát triển mà không cần phải thay chậu. Sau thời gian trồng, sản phẩm tự phân hủy, tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng.
Với tính hữu dụng trong cuộc sống và thân thiện với môi trường, sản phẩm chậu cây được làm từ bã mía và thân cây chuối đạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2022 - 2023 tỉnh An Giang. Hiện sản phẩm được Trường THPT Nguyễn Khuyến sử dụng trồng, ươm cây khắp khuôn viên trường.
Vỏ lạc và vỏ trấu
Trước đó, vào năm 2022, sản phẩm chậu hoa thân thiện với môi trường được làm từ vỏ lạc và vỏ trấu đã được nhóm tác giả là các em học sinh Trường THCS Giang Sơn, Đô Lương, Nghệ An thực hiện. Nguyên liệu để làm sản phẩm, bao gồm vỏ lạc, vỏ trấu, xốp, xăng sinh học và khuôn đúc chậu đảm bảo tỷ lệ vỏ lạc 1kg; vỏ trấu 1,5kg; xốp 1kg; 0,4 lít xăng  A92 ; nhiên liệu sinh học bio-ethanol 0,1 lít. Đây là tỷ lệ tối ưu đảm bảo an toàn môi trường và đảm bảo độ kết dính tốt. 
Chậu trồng cây sử dụng nguyên liệu chính là vỏ lạc và vỏ trấu (Ảnh: http://lienhiepkhktnghean.org.vn)
Quy trình thực hiện gồm các công đoạn: vỏ trấu, vỏ lạc được làm sạch. Xốp làm vỡ vụn hòa tan trong xăng sinh học E20 tạo thành keo kết dính. Đổ xăng vào mút xốp để tạo thành dạng keo lỏng. Cho hỗn hợp vào khuôn rồi tạo hình  sau đó tách chậu ra khỏi khuôn.
Sản phẩm chậu hoa từ vỏ lạc và vỏ trấu có ưu điểm là thông thoáng, giữ ẩm tốt cho cây, là sản phẩm dễ làm, dễ sử dụng, nhẹ nhàng, giá thành thấp, thân thiện với môi trường, nguyên liệu có sẵn và phong phú ở địa phương, có thể thay thế một phần các sản phẩm nhựa và xi măng hiện nay.
Đặc biệt, việc sử dụng vỏ lạc và vỏ trấu để làm nguyên liệu đã giúp tận dụng nguồn nguyên liệu rác thải vốn có, tạo ra được sản phẩm thân thiện với môi trường, và khắc phục được các nhược điểm như: khó thoát nước, không thoáng khí, dễ giòn, nứt, nặng, giá thành cao của các loại chậu sứ, nhựa và xi măng. Đây là sản phẩm phù hợp để trồng cây, trồng hoa, treo hoặc để trên giá, trên mặt đất, trong nhà hoặc ngoài trời.
Xơ dừa
Khác với những nguyên liệu trên, xơ dừa từ lâu đã được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất các loại nệm ngủ, vật liệu trang trí nội thất thân thiện với môi trường, làm lưới phủ xanh đồi trọc, bảo vệ các công trình công nghiệp dưới biển bởi độ bền, lâu bị phân huỷ trong môi trường nước nặng, cách âm, cách nhiệt, …
Những năm gần đây, khi vấn đề bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải nói chung và tàn dư nông nghiệp nói riêng đang được toàn xã hội quan tâm thì xơ dừa còn được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất chậu cây, trở thành công cụ hữu ích trong nông nghiệp và đời sống.
Chậu xơ dừa - xu hướng trồng cây thân thiện với môi trường.
Sở dĩ, chậu xơ dừa trở thành xu hướng trồng cây hiện đại bởi vì loại chậu này có nhiều ưu điểm trong làm vườn. Với cấu trúc thông thoáng, nhẹ nên tạo điều kiện cho rễ cây phát triển tự nhiên, không làm rễ bị cong hay gãy như sử dụng chậu sứ, nhựa. Chậu có chất liệu nhẹ nên không dễ bị rơi. Mà dù có rơi thì cũng không dễ vỡ vì vậy thích hợp để làm chậu treo rất độc đáo. Sử dụng loại chậu này còn có ưu điểm vận chuyển nhẹ nhàng, dễ dàng và an toàn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chậu xơ dừa để ươm mầm cây rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi để rễ cây có thể phát triển xuyên qua chậu và phát triển bình thường khi trồng vào đất. Khi cây phát triển rễ thì chỉ cần chôn chậu xơ dừa và rễ cây vào trồng đất mà không sợ gây hại cho đất hay cây.
Ngoài ra, khi sử dụng chậu này không cần lo tốn công khi thay chậu vì người dùng chỉ cần chuẩn bị một chậu xơ dừa khác lớn hơn, sau đó đặt trực tiếp chậu cũ vào là hoàn thành việc thay chậu. Rất đơn giản mà không tốn kém nhiều vì chi phí cho loại chậu này rất rẻ và rất thân thiện với môi trường khi sử dụng ươm cây.
Bảo vệ môi trường là vấn đề không của riêng ai vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Trước khi nghĩ đến những giải pháp to lớn để bảo vệ môi trường, hãy thực hành thay đổi từ những thói quen nhỏ, thay đổi những việc làm đơn giản nhưng thiết thực như việc sử dụng chậu cây được làm từ những vật liệu thân thiện với môi trường thay vì sử dụng những chậu cây bằng chất liệu nhựa hay sành sứ.
Minh Khuê