Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế rác thực vật thành nước tẩy rửa sinh học

07:59 - 06/07/2023
Hiện nay, nước tẩy rửa sinh học (NTRSH) thô hay còn có tên là dung dịch GE (Garbage Enzyme) đang được cộng đồng biết đến bởi tính năng tẩy rửa, an toàn và thân thiện môi trường. Dung dịch GE có màu vàng và có thể dùng ngay. Để sản phẩm có tính thương mại, nhiều doanh nghiệp có bí quyết riêng để sản xuất nước tẩy rửa từ dung dịch thô này, tuy nhiên giá thành sản phẩm còn cao và cộng đồng khó tiếp cận.
Tính tẩy rửa của dung dịch GE được quyết định bởi thành phần chính là các axit hữu cơ, đây là chất có tác dụng khử mùi tanh và dễ dàng hoà tan vết dầu mỡ nên có tính tẩy rửa cao. Trong dung dịch GE có chứa các enzyme giúp phân hủy các chất hữu cơ có trong đất, nước nhanh hơn nên an toàn và có lợi cho môi trường khi sử dụng dung dịch này. Do vậy, dung dịch GE được xem là một trong những giải pháp tiềm năng của mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải dựa vào cộng đồng.
Nước tẩy rửa sinh học mang đến sự an toàn cho sức khỏe người sử dụng. (Ảnh: Báo tài nguyên môi trường)
Từ thực tế trên, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung đã thực hiện đề tài khoa học cấp trường "Nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nước tẩy rửa sinh học từ dung dịch GE thô".
 ThS. Võ Anh Khuê - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Trên cơ sở phân tích, tổng hợp các phương pháp ủ dung dịch thô và sản phẩm NTRSH trên thị trường đang có, nhóm tác giả nghiên cứu đã đề xuất quy trình sản xuất NTRSH chất lượng với giá thành ở mức phù hợp nhằm tạo điều kiện cho mọi người đều có khả năng sản xuất và sử dụng sản phẩm.
Thực hiện đề tài, nguyên liệu được nhóm nghiên cứu sử dụng ủ NRSH là các loại thực vật tươi có hương thơm, có thành phần đường nhưng không chứa nhiều chất tanin. Theo đó, phương pháp lọc dung dịch GE có thể bằng phương pháp thủ công qua vải thô hoặc bằng máy lọc qua cột lọc bông (tốt nhất nên lọc qua cột lọc bông) và khuấy trộn để giảm mùi. Dung dịch sau quá trình lọc có màu vàng, mùi thơm và trong suốt; phần bùn cặn được tái sử dụng làm mồi ủ cho mẻ tiếp theo. 
Quy trình cải tiến ủ nước tẩy rửa sinh học thô
Chia sẻ về quy trình sản xuất chất bảo quản, nhóm nghiên cứu cho rằng, nước lọc thô cần được bổ sung chất bảo quản nhằm cải thiện về mùi, thời gian sử dụng và độ bọt để tăng tính tẩy rửa. Quy trình sản xuất chất bảo quản cần phải đơn giản nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả và giá thành rẻ.
"Thành phần chất bảo quản gồm: Las, Sles, NaOH, chất tạo đặc (HEC), NaCl và nước sạch. Để sản xuất chất bảo quản yêu cầu tối thiểu phải có thiết bị khuấy. Sản phẩm chất bảo quản thu được với đặc điểm là có tính kiềm, có độ nhớt cao, dạng chất lỏng sệt. Công dụng các thành phần của chất bảo quản như sau: Las (Sodium lauryl benzene sulfonate) là chất hoạt động bề mặt anion, chúng được ứng dụng phổ biến nhất trong các chất tẩy rửa như bột giặt, xà phòng, nước rửa chén; Sles (Sodium Lauryl Ether Sulfate, hay natri lauryl ete sunfat) là một chất hoạt động bề mặt có trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân (xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng,…); NaOH trong chất bảo quản nhằm khi hòa trộn vào nước lọc thô sẽ trung hòa một phần axit; NaCl nhằm tăng độ đặc của dung dịch chất bảo quản; Hec là chất bột màu trắng có công dụng là chất làm đặc." - ThS. Võ Anh Khuê thông tin thêm.
Sau khi hoàn thiện quy trình ủ và sản xuất chất bảo quản, nhóm nghiên cứu tiến hành phối trộn nhằm nhằm sản xuất NTRSH nâng cao. Theo đó, tùy theo mục đích sử dụng, tỷ lệ phối trộn chất bảo quản với dung dịch GE có sự khác nhau. Cụ thể nếu nước lau sàn nhà thì pha chế tỉ lệ 9/1, nếu là nước rửa chén thì pha chế  theo tỉ lệ 8/2 hoặc 7/3.
Tính chất của nước tẩy rửa sinh học thô và nâng cao của nhóm nghiên cứu (Kết quả phân tích do Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - Quatest 3 thực hiện).
Chia sẻ về sự khác biệt giữa dung dịch tẩy rửa thô và dung dịch tẩy rửa nâng cao, nhóm nghiên cứu cho biết: Trong NTRSH thô, các axit hữu cơ là tác nhân chính để tẩy rửa vết bẩn. Trong NTRSH nâng cao ngoài tác nhân tẩy rửa là axit hữu cơ còn có chất hoạt động bề mặt Sles và muối natri của Las, đây là các chất tạo môi trường ổn định, giúp ngăn ngừa sự lên men của NTRSH. Màu sắc của sản phẩm nước tẩy rửa nâng cao sẽ chuyển dần sang màu đỏ và có mùi thơm của mật ong nếu để lâu ngày.
"Nhóm tác giả đã khảo sát 100 người sử dụng thử nước tẩy rửa nâng cao. Kết quả 100% người được hỏi đều đánh giá sản phẩm sử dụng tốt và có nguyện vọng được hướng dẫn công nghệ để tự sản xuất sử dụng gia đình hoặc thương mại." - ThS. Võ Anh Khuê cho hay.
Với kết quả đạt được, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung và Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên đã phối hợp với Hội đoàn thể và cơ quan liên quan chuyển giao và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển mô hình sản xuất NTRSH, trong đó có nhiều tổ chức phát triển thành sản phẩm thương mại.
Điển hình như cuối năm 2020, Sở TN&MT Phú Yên phối hợp với Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ làm NTRSH cho câu lạc bộ (CLB) Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành NTRSH xã Bình Ngọc” do Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa quản lý đã tạo ra sản phẩm (nước lau sàn và nước rửa chén) có chất lượng với giá cạnh tranh (35.000 đồng/lít) chủ yếu từ vỏ cam được thu gom từ các điểm bán nước ép trái cây trên địa bàn thành phố. Sản lượng bán ra bình quân 1.500 lít/tháng với thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong tỉnh. Các thành viên của CLB có thu nhập tạo từ 2-4 triệu đồng/tháng, do vậy đã tạo tính bền vững cho mô hình, góp phần duy trì các hoạt động tuyên truyền theo quy chế hoạt động của CLB. Hiện nay, để thuận lợi cho hoạt động thương mại của sản phẩm các thành viên CLB đã hợp tác hình thành hộ kinh doanh, đồng thời UBND thành phố Tuy Hòa đang hỗ trợ các thủ tục để được xem xét chứng nhận sản phẩm OCOP.
Mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). (Ảnh: Liên hiệp hội Phú Yên)
Cuối năm 2021, chùa Bảo Lâm ở TP. Tuy Hòa và chùa phật giáo Hòa Hảo Sơn Tự ở thị xã Sông Cầu là 2 cơ sở thờ tự đầu tiên vận động tín đồ thu gom vỏ trái cây các loại (bưởi, cam, dứa) để quyên góp cho chùa sản xuất nước rửa chén, nước lau sàn sinh học nhằm phục vụ cho cở sở và nhu cầu của tín đồ. Đặc biệt, sản phẩm của chùa Bảo Lâm đã được đông đảo cộng đồng hưởng ứng sử dụng với giá thành 25.000 đồng/lít nhằm đảm bảo được bù đắp chi phí sản xuất để Tổ tự quản của chùa duy trì hoạt động. Hiện nay chùa Bảo Lâm cung cấp cho thị trường bình quân 400 lít/tháng.
Sản phẩm nước lau nhà sàn và nước rửa chén sinh học Đông Din (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)
Hay nhờ áp dụng phương pháp ủ NTRSH cải tiến, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din ở huyện Phú Hòa (Phú Yên) chuyên về chế biến sản phẩm từ quả khóm (dứa) đã tận dụng vỏ dứa thải bỏ để sản xuất nước rửa chén và nước lau sàn sinh học, với giá bán ra là 45.000 đồng/lít. Bã sau ủ lên men được tận dụng cùng với cùi để ủ làm phân bón cây. Cách làm này đã tạo ra tính tuần hoàn rác thải từ đó tạo thêm sản phẩm hữu ích góp phần tăng giá trị kinh tế cho quả khóm (dứa). Đầu năm 2022, 2 sản phẩm trên đã được tỉnh Phú Yên chứng nhận đạt sản phẩm đạt OCOP 3 sao, góp phần tăng uy tín cho sản phẩm. Hiện nay, nhiều đơn vị ngoài tỉnh đã hợp tác để trở thành nhà phân phối để đưa sản phẩm có mặt trên toàn quốc.
Với những hiệu ứng tích cực từ sản phẩm NTRSH, thời gian tới, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung và Sở TN&MT Phú Yên sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đoàn thể đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất NTRSH.
Anh Thư