Ngày 07/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tin hoạt động

Bình Dương hướng đến sản xuất sạch hơn

08:48 - 14/07/2023
Sản xuất sạch hơn (SXSH) được biết đến là giải pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, năng lượng đầu vào. Áp dụng SXSH trong công nghiệp giúp cho các doanh nghiệp giảm phát thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường và góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.
Doanh nghiệp ý thức sản xuất sạch 
Công ty Cổ phần Tôn Đông Á có nhà máy đặt tại số 5, đường Số 5, Khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An với tổng diện tích nhà xưởng hơn 35.000m2. Với 2 dây chuyền mạ kẽm, 3 dây chuyền mạ màu và 1 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công nghệ NOF với tổng công suất thiết bị 250.000 tấn/năm. Các dây chuyền được thiết kế theo công nghệ tiên tiến, sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện môi trường. Với phương châm “Chất lượng - Uy tín - Phát triển bền vững”, công ty luôn thực hiện và tuân thủ tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BVMT, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cải tiến công nghệ dây chuyền sản xuất, sử dụng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường. Hiện nay, các dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch: khí CNG (COMPRESSED NATURAL GAS), năng lượng sinh khối (BIOMASS) để sử dụng thay thế nguồn nhiên liệu cũ là LPG và dầu FO, DO…
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát (TP.Thuận An), cho rằng. Những công đoạn trong quy trình SXSH giúp doanh nghiệp tiếp cận mang tính chủ động giảm chất thải tại nguồn trong quản lý chất thải. Cụ thể, các doanh nghiệp áp dụng SXSH sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích về mặt môi trường. Các lợi ích này bao gồm: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn.
Nỗ lực sản xuất sạch hơn trong ngành gốm sứ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại công ty Gốm sứ Cường Phát (Ảnh: Sở Công Thương Bình Dương)
Theo ông Huỳnh Văn Liên, Giám đốc Công ty phân bón Việt Liên (TX.Bến Cát) thì công ty đã và đang hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền
Hướng tới mục tiêu SXSH, thời gian qua, Sở Công thương Bình Dương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng SXSH, tiết kiệm năng lượng đã được triển khai nhiều năm nay và đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất. Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Sở Công thương còn khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hàng năm, ngành có kế hoạch hỗ trợ từ 6-10 doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất và áp dụng quy trình SXSH. Việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu được lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn. Ngoài ra, công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm...
Khánh An