Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Kinh tế tuần hoàn

Ngành dệt may hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

11:20 - 17/07/2023
Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế...
Chuyển dần sang kinh doanh tuần hoàn
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết giai đoạn phát triển nhanh của ngành dệt may đã qua. Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Khi đó, kim ngạch xuất khẩu bình quân dự kiến sẽ tăng từ 5-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 (năm 2030 dự kiến 68-70 tỷ USD); tăng từ 2-3%/năm trong giai đoạn từ 2031 đến 2045 (năm 2045 đạt khoảng 95 – 100 tỷ USD).
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 47 tỷ USD (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Trước những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững, buộc ngành dệt may Việt Nam phải thực hiện thúc đẩy kinh doanh tuần hoàn, nhất là khi Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng, cùng đó thị trường xuất khẩu lớn của ngành đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm tái chế.
Để đẩy nhanh tận dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn; tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn. Đặc biệt có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái… tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi. Tập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc NPL, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng "xanh hoá" là hướng đi đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. Lãnh đạo Vinatex cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới; sử dụng lại 30% nước thải sau xử lý cho các công đoạn giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên để phấn đấu 10% lượng điện sử dụng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo…
Còn với Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này chia sẻ, từ nhiều năm trước TCM đã tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín - thu nhỏ bên trong doanh nghiệp, để các nhân tài có điều kiện để thử nghiệm từ A đến Z, từ tạo ra sợi vải đến thành phẩm đầu cuối là áo quần.
Thành quả là Thành Công đã sản xuất và phân phối được các sản phẩm từ sợi tái chế, hoặc vải sợi từ vỏ chai, bắp hoặc nguyên liệu từ thiên nhiên và được các thương hiệu thời trang từ Nhật Bản, Adidas hay North Face… ưa chuộng.
Lợi ích khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD và đặt mục tiêu  đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam qua các năm.
Về cơ bản, nền kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng và khép kín chu trình sản xuất nhằm mục đích giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn nhất quán với các nguyên tắc 3R là giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế.
Như vậy, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp dệt may sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội, đó là: Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô; Giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, sự phụ thuộc này có thể dẫn tới những căng thẳng về chính trị toàn cầu; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho người tiêu dùng; Tạo ra các cơ hội kinh tế; Tạo việc làm mới (trong lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo).
Mặc dù có nhiều lợi ích và tiềm năng, song theo việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là một quá trình đơn giản, đặc biệt đối với ngành có chuỗi cung ứng phức tạp và rộng khắp trên thế giới như ngành dệt may.
Hương Linh