Ngày 13/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Các giải pháp thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững

08:25 - 16/07/2023
Để đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp những nông sản sạch cho người tiêu dùng cần tăng cường các giải pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng vùng nông sản an toàn.
Nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp xanh để phát triển bền vững, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước đã và đang tăng cường việc sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ để từng bước khắc phục những điểm yếu trước đây trong sản xuất nông nghiệp.
Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hơn 5000 ha sản xuất rau an toàn, trong đó có hơn 50 ha sản xuất rau hữu cơ và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác. Những mô hình này ngoài tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn giúp tăng hiệu quả kinh tế gấp 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một điển hình về ứng dụng mô hình sản xuất rau quả sạch bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng (Ảnh: Hanoimoi)
Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường đem lại lợi ích kép cho người nông dân và người tiêu dùng, phương pháp này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đến tay người sử dụng, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo hướng an toàn cũng là giải pháp giúp các ngành chức năng thuận lợi trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường...
Lợi ích rõ ràng là thế nhưng việc mở rộng và thúc đẩy các mô hình nông nghiệp xanh còn gặp phải không ít rào cản xuất phát từ những nguyên nhân như: trình độ, năng lực tiếp cận khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế; nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguy hại; cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất an toàn đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp sạch,...
Do đó, để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền tập huấn cho người nông dân cách sử dụng phân bón hữu cơ thông qua việc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp kết hợp chế phẩm sinh học thay thế phân bón vô cơ. Tuyên truyền lợi ích của việc sản xuất  nông nghiệp sạch: giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra nhiều loại nông sản sạch có giá trị cao, tăng hiệu quả kinh tế,...
Hai là, xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào 2 ngành có lượng thải các bon lớn là chăn nuôi và trồng lúa để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp
Ba là, đầu tư chuyên sâu cho các khu vực nông nghiệp hàng hoá theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường
Bốn là, tạo điều kiện để nông dân mở rộng, đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng thành phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản an toàn theo quy trình.
Năm là, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho vùng sản xuất tập trung, đồng thời, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Khuyến nông của địa phương để nông dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cung cấp cho người tiêu dùng. Đồng thời, kết hợp phát triển đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp…
Mặc dù nông nghiệp sạch ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những rào cản nhưng thực tế hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường của nông nghiệp sạch đã được chứng minh ở nhiều thành phố tại các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Do đó, nông nghiệp sạch được kỳ vọng sẽ là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Minh Khuê