Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 11/12/2024 | 00:02 GMT+7

Sản xuất bền vững

"Xanh hoá" ngành than để bảo vệ môi trường

12/07/2023

Với chiến lược phát triển sản xuất luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) luôn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo cảnh quan, phục hồi môi trường, phát triển sản xuất "xanh".
Trong chiến lược phát triển bền vững, TKV luôn xác định phương châm, phát triển sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường, hài hòa với sự phát triển của địa phương và cộng đồng. (Nguồn: TKV)
Nỗ lực xử lý chất thải mỏ
Hàng năm, các mỏ khai thác than tại Hạ Long thải ra hàng chục triệu m3 nước thải mỏ. Đặc biệt, nước thải mỏ than hầm lò có tính axít, chứa  hàm lượng chất rắn lơ lửng và các chất ô nhiễm khác khá cao. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường các bãi thải, TKV cũng chú trọng nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ. Đến nay toàn Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải, trong đó 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 03 trạm xử lý nước thải công nghiệp. 100% nước thải được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường. Các trạm đều được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, các thông số kỹ thuật được truyền về Trung tâm quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.
Tiêu biểu như trạm xử lý nước thải mỏ than Hà Tu - công trình có công suất 300m3/giờ, vận hành theo công nghệ hiện đại dưới sự nghiên cứu, tư vấn của các chuyên gia Hiệp hội nghiên cứu mỏ và môi trường Đức. Trạm được thiết kế gồm các hạng mục tuyến dẫn nước về trạm, buồng quan trắc đầu vào, bể phản ứng, bể lắng, bể phân phối, bể lọc mangan, bể cô đặc bùn và máy ép bùn… Toàn bộ nước thải từ hoạt động khai thác hầm lò được thu gom triệt để, xử lý theo đúng quy trình.Việc ngành than đầu tư, cải thiện công nghệ xử lý nước thải mỏ đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, đảm bảo mạch nước ngầm và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trạm xử lý nước thải mỏ than Hà Tu - công trình có công suất 300m3/giờ, vận hành theo công nghệ hiện đại  (Nguồn: halongcity.gov.vn)
Trạm xử lý nước thải Vàng Danh cũng là một trong những công trình xử lý nước thải hiện đại nhất của TKV. Với sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu mỏ và môi trường Ðức, Trạm Vàng Danh được thiết kế các hạng mục: tuyến dẫn nước về trạm, buồng quan trắc đầu vào, bể phản ứng, bể lắng, bể phân phối, bể lọc mangan, bể cô đặc bùn và máy ép bùn,… Toàn bộ nước thải từ hoạt động khai thác hầm lò của Công ty Than Vàng Danh tại khu vực Cánh Gà và Vàng Danh được thu gom triệt để và xử lý tại trạm này.
Với công suất 3.000m3/giờ, trạm xử lý nước thải này giúp xử lý khoảng 10 triệu m3 nước thải mỏ mỗi năm cho Công ty Than Vàng Danh. Thời gian gần đây, trước nhu cầu sản xuất, ngành than tiếp tục đầu tư, nâng công suất năm trạm xử lý nước thải mỏ gồm các trạm Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Mạo Khê và đầu tư mới Trạm Núi Hồng. Trạm xử lý nước thải Mạo Khê công suất 1.200m3/giờ đã được TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng nâng công suất lên 2.400m3/giờ. Khi hoàn thành, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất ngành than hiện nay.
Dự kiến giai đoạn 2022-2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất năm trạm xử lý nước thải, gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công (Than Hòn Gai). Trong bối cảnh TKV tăng sản lượng khai thác than, lượng nước thải cần xử lý ngày càng tăng cao, việc tiếp tục đầu tư nâng công suất các trạm xử lý sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất của TKV.
Thực hiện "xanh hoá" mỏ
Ðể "xanh hóa" hoạt động sản xuất than, TKV đã dành nguồn lực lớn đầu tư các dây chuyền hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất khác nhau. Ðối với các mỏ lộ thiên, TKV cam kết thực hiện đúng lộ trình kết thúc khai thác đối với các dự án tại Hạ Long và Cẩm Phả. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải.
Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường tại Quảng Ninh hơn 1.200 ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, Tập đoàn sẽ phủ xanh thêm 1.000 ha và sẽ kết thúc đổ thải các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và quốc lộ 18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết: Tập đoàn tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường với địa phương và dành các nguồn lực cho công tác bảo vệ, trồng cây cải tạo hoàn nguyên môi trường. TKV tập trung triển khai các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất, thân thiện với môi trường.
Theo đó, các đơn vị trong Tập đoàn thường xuyên duy trì tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các vấn đề về chống bụi, độ ồn, rác thải công nghiệp, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đầu tư mở rộng nâng công suất sáu trạm xử lý nước thải mỏ và kết hợp triển khai nghiên cứu thực hiện công tác tái chế nước thải mỏ thành nước sinh hoạt, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Hệ thống máy phun sương cao áp được nhập khẩu làm trong sạch bầu không khí tại  Công ty Chế biến Than Quảng Ninh (Nguồn: halongcity.gov.vn)
Thực hiện chỉ đạo từ Tập đoàn, Công ty Chế biến Than Quảng Ninh - TKV luôn chú trọng thực hiện tốt công tác môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Công ty Chế biến Than Quảng Ninh cho biết, trong quá trình sản xuất, công tác bảo vệ môi trường luôn được Công ty đặt lên hàng đầu, đặc biệt là công tác dập bụi tại các khu vực chế biến, các kho than, các tuyến đường vận chuyển than. Cùng với quy hoạch hệ thống kho cảng ở các khu vực sản xuất, Công ty đã tích cực trồng cây xanh, đầu tư xây dựng khuôn viên vườn hoa, cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo đảm công tác môi trường, phát triển bền vững.
Hiện nay, Công ty có 9 xe tưới nước dập bụi ở 3 khu vực kho cảng vùng Cẩm Phả, Hạ Long và Miền Tây cùng hệ thống phun nước dập bụi tại các khu vực dây chuyền chế biến than, các vị trí đầu các máng rót than, kho than, các tuyến đường vận chuyển… Năm 2021, Công ty tiếp tục đầu tư 3 máy phun sương cao áp dập bụi với tổng giá trị trên 7 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty đã thực hiện cải tạo hệ thống đường nội bộ, hệ thống thoát nước, tổ chức thu gom nước bề mặt, làm các hố lắng; tổ chức che bạt các kho than để bảo vệ than và chống phát tán bụi. Định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng Công ty đều tổ chức quan trắc môi trường, bảo đảm các quy định về môi trường…
Với những giải pháp phù hợp và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh, TKV tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy". Chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất phát triển hài hòa với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh.
Mai Anh